Mỗi tháng, vào một ngày nhất định, lúc 5 giờ 30 chiều, em ấy sẽ từ ban công nhà mình nhìn mặt trời rồi bấm máy. Bên dưới 12 vầng mặt trời, TP HCM cứ vàng óng, đỏ ấm hiện ra. Thành phố ta đang sống, ấm sực bên dưới, xôn xao bên dưới. Dùng tòa nhà cao nhất thành phố làm điểm đối chiếu, bức ảnh cho thấy sự dịch chuyển của mặt trời trong một năm ra sao. Hiện tượng này hẳn là chúng ta đã biết, nhưng mà cụ thể, trực quan như thế trên bầu trời thành phố, tự nhiên cứ thấy lòng bâng khuâng. Mặt trời không hề đứng yên, mỗi tháng lại lệch đi 15 độ, một năm, mặt trời quay về chốn cũ. Chợt tự hỏi lòng, có chốn cũ nào không để ta quay lại như mặt trời kia, chính ta của 365 ngày trước, hình như cũng biền biệt xa rồi…
Ảnh: Hoàng Triều |
Ta vẫn thường nghĩ, người thành phố sống vội, luôn tất bật và chen chúc tranh giành. Ta hẳn đã đôi lần quên rằng họ cũng nồng nàn yêu, nồng ấm cho đi nếu "đối tượng" khiến họ tin tưởng và xúc động.
Một đêm mùa đông COVID-19, chỉ đủ se lạnh cho đôi lứa yêu nhau, tôi muốn đi chợ hoa Đầm Sen và đã có người toại ý cho. Đi vì nhớ cái không khí rộn ràng bán mua ở một trong những chợ hoa sỉ lớn của thành phố, chứ mua dăm cành sen về thả vô lọ gốm thì chẳng ai bán cho đâu. Nếu quá muốn, bạn phải chịu khó đi bộ ra ngoài một chút. Nhưng sen thơm níu chân, tôi cứ ngần ngừ không bước được, cứ nhìn hoa rồi nhìn chị chủ mà cười. Trong đầu mình lúc ấy gạo châu củi quế, chuyện hoa thơm là thứ xa xỉ phải xếp lại một bên. Chị hỏi tôi có thờ Phật không, tôi "dạ có" một tiếng rồi nhớm bước đi. Vừa kịp nghe tiếng chị sau lưng: "để tao cho vài bông về cúng Phật ngày rằm"! Phút chốc tôi ngoái lại, thấy dường như chị tỏa hào quang, tay đang thoăn thoắt nhón mấy bông hoa rồi gói lại. Anh bạn đi cùng lúng túng móc túi ra đưa tờ tiền, chị khoát tay: "thôi khỏi, về cúng Phật giùm tao, COVID-19 khắp nơi rồi, rầu quá".
Báo Người Lao Động thăm và trao quà Tết cho các cụ đang an dưỡng tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ người bại liệt Thạnh Lộc (quận 12, TP HCM), vào ngày 9-2-2021 |
Tôi về thành kính dâng hoa và thắp hương, khấn nguyện cho chị, cho mình, khấn nguyện cho những con người hào sảng ấm áp như chị, cho cả thành phố thương yêu. Nhưng mà hình như tôi sai rồi, tôi quá mê hoa mà quên hỏi tên chị. Nhưng nhớ thì nhớ sâu cái dáng người đậm đà, tóc búi sau gọn gàng cùng miệng cười rất tươi.
Đó là một hình ảnh quen lắm, mà không cụ thể được. Nó bàng bạc như một đêm mưa xa xôi lâu lắc, tôi thuê trọ ở gần ngã tư Hàng Xanh. Việc làm xong thật khuya, tôi chạy xe hiu hắt trở về gác trọ, ghé ăn một tô cháo mực rồi loay hoay hoài vì không có tiền trả. Dĩ nhiên là thời đó chưa có chuyển khoản, chưa có điện thoại di động, tôi xanh mặt không biết phải làm sao thì bà bác nói nhẹ hều: "về đi con, mai ghé tính sau". Ờ, chỉ vậy thôi, rồi tôi khúm núm cảm ơn, hẹn "ngày mai con sẽ ghé". Suốt đoạn đường sau đó, trong tôi dậy lên cảm giác biết ơn. Những vất vả dường như được an ủi, câu nói của bác gái bán cháo dường như cho tôi thêm chút nghị lực để ở lại nơi này. Thật lạ, cả hai người phụ nữ cách nhau hơn 30 năm ấy, đều búi tóc và cười thật tươi.
Họ, phải rồi chính họ, là mặt trời đỏ ấm trong bức tranh dịch chuyển mùa của riêng tôi. Khi tôi nói với anh, chị chủ hoa sen dễ thương quá chừng, anh nói vì em cũng dễ thương mà. Chợt thấy cái cốc tình yêu mình dành cho nơi này dường như chảy tràn. Thành phố này mỗi ngày đều có những chuyện tử tế bé xíu như thế. Người thành phố, hình như bởi vì hiểu rõ ta không bao giờ quay lại được hôm qua, nên họ thiết tha với từng hơi thở, rung động với từng nụ cười. Người thành phố hiểu sâu nghĩa lý giàu nghèo, nên cho đi mà ít khi đắn đo mất mát. Hóa ra, chính những người dân của thành phố được cho là hừng hực, là sôi động này lại là những con người minh triết, hiểu sâu nhân quả, hiểu lý vô thường và họ chọn tử tế với nhau như một pháp tu.
Năm vừa qua, vì cơ duyên nghề nghiệp, tôi đọc được rất nhiều bài viết của các bạn trẻ về tổ ấm ước mơ của họ. Họ khiến tôi nghĩ về tuổi 15 của mình, khi chiều tan học, đạp xe từ thị trấn về nhà, trước mắt là một mặt trời sắp lặn, hai bên đường là thưa thớt nhà cửa, là ruộng lúa, hoa màu. Ánh sáng mặt trời khi ấy hắt lên bao nhiêu là ảo ảnh, là thực tế gió giông của ngày. Rồi mây, chính mây khuếch đại vẻ đẹp lộng lẫy cuối ngày ấy để bay qua mắt tôi. Lúc đó, tôi chỉ ước mình có một chiếc máy ảnh thần kỳ, lưu lại hết những diệu kỳ mà thiên nhiên ban tặng. Khi đọc những giấc mơ của người khác, tôi như thấy lại những áng mây đẹp đẽ trong tâm trí mình. Vừa gần vừa xa, như là giơ tay là chạm được, lại như là thăm thẳm trời cao. Và tình yêu dành cho thành phố, chính nó là chiếc cầu vồng bắc từ dưới đất để đi lên trời. Một năm trôi qua với nhiều khó khăn cho toàn xã hội nhưng tôi tin họ, bằng kiểu này hay kiểu khác, sẽ xây dựng được cho mình một tổ ấm ở đất này.
Chương trình “Tết ấm cho người vô gia cư” do Đoàn Thanh niên Báo Người Lao Động thực hiện, tặng quà cho những người khó khăn, vào đêm 7-2-2021. Ảnh: TẤN THẠNH |
Bây giờ, vẫn chưa trọn vui dù đại dịch đã đi qua, song mỗi ngày ta vẫn nghe, vẫn đọc được rất nhiều câu chuyện bao dung của thành phố. Nó đã trở thành một bản sắc đáng tự hào của Sài Gòn - TP HCM.
Tôi vẫn đang sống trong cái tổ của riêng mình, như hàng triệu con người khác. Ngày ngày mặt trời vẫn cứ nheo mắt đi qua, mỗi tháng vẫn cứ lệch thêm 15 độ, một năm thì quay về chỗ cũ. Mặt trời liệu có biết, khi nhận những hạt giống ấm áp ấy, người thành phố đã không ngừng làm một mặt trời mới để an ủi nhau, ban tặng nhau những điều bình dị mà đẹp rạng ngời. Chính những con người, việc làm nghĩa khí ấy, đã khiến cho thành phố ngày một phồn vinh mà không hề mất đi những nghĩa tình sâu thẳm.