Kinh tế

Giá cả thị trường

Nông dân Chư Păh phấn khởi vì bời lời tăng giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ bời lời được mùa, được giá nên nhiều hộ dân ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) có thu nhập đáng kể.

Đã 12 giờ trưa, trời nắng gắt nhưng gia đình anh Rơ Châm Miết (làng Bối, xã Hòa Phú) vẫn cần mẫn thu hoạch bời lời. Anh Miết vui vẻ cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây bời lời phát triển tươi tốt, vỏ dày, đẹp và giá cao hơn so với năm 2023. Gia đình mình đang tập trung nhân công thu hoạch bời lời bán cho thương lái. Ngoài gần 2 ha cây bời lời xen canh trong rẫy cà phê, mình còn mua bời lời của bà con trong xã về bán.

Từ Tết Nguyên đán đến nay, mình thu được gần 30 triệu đồng từ việc bán bời lời tươi. Nếu giá bán trung bình 3 ngàn đồng/kg vỏ tươi như hiện nay, vườn bời lời của gia đình sẽ cho thêm nguồn thu vài chục triệu đồng nữa. Có tiền bán bời lời, mình mua chiếc xe máy đi lại cho thuận tiện”.

27 năm nay, gia đình anh Phạm Huệ (thôn 2, xã Nghĩa Hòa) cũng trồng xen cây bời lời đỏ trong vườn cà phê, tạo nguồn thu nhập đáng kể. Năm nay, giá bời lời cao hơn năm ngoái nên anh huy động 3 lao động chính trong nhà và thuê thêm nhân công để thu hoạch.

Anh Huệ cho hay: “Giá vỏ bời lời đang cao hơn chừng 500 đồng/kg tươi so với năm ngoái. Mùa bời lời năm nay, gia đình mình chắc sẽ có nguồn thu đạt 100 triệu đồng, cao hơn năm ngoái hơn 20 triệu đồng”.

Gia đình anh Rơ Châm Miết (làng Bối, xã Hòa Phú) thu hoạch vỏ cây bời lời. Ảnh: H.C

Trò chuyện với P.V, ông Nguyễn Trường Thịnh-Giám đốc Công ty TNHH Bột nhang Trường Thịnh-thông tin: “Mỗi năm, Công ty thu mua khoảng 700 tấn vỏ bời lời khô. Hiện nay, Công ty đã thu mua được hơn 500 tấn với giá từ 8 đến 8,5 ngàn đồng/kg, cao hơn năm trước từ 700 đồng đến 1.300 đồng/kg. Bà con vẫn đang tích cực thu hoạch để bán cho Công ty. Dự kiến, Công ty có thể thu mua thêm 500 tấn nữa. Tất cả số lượng trên sẽ được đóng hàng để xuất khẩu”.

Bời lời là loại cây lâu năm rất dễ trồng, chịu hạn tốt, ít công chăm sóc, phù hợp với tập quán canh tác của bà con dân tộc thiểu số. Các sản phẩm của cây bời lời như rễ, thân, vỏ, lá đều có giá trị kinh tế, được sử dụng chế biến thành nhiều mặt hàng. Vì vậy, người dân các xã Ia Phí, Ia Khươl, Hà Tây, Nghĩa Hòa, Ia Mơ Nông, Hòa Phú và thị trấn Phú Hòa liên tục mở rộng diện tích.

Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: “Trên địa bàn huyện có khoảng 3.000 ha bời lời. Huyện thường xuyên quan tâm hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Có thể bạn quan tâm