Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Chư Sê sản xuất gắn với nhu cầu thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều hộ nông dân ở huyện Chư Sê đã xây dựng mô hình sản xuất an toàn gắn với chế biến, đồng thời chủ động liên kết với các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều mô hình sáng tạo

Trang trại gần 13 ha kết hợp trồng cà phê, cây ăn quả, nuôi cá và chăn nuôi heo của ông Nguyễn Đình Phú (làng Hố Lang, xã Chư Pơng) là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu nhập 1,5 tỷ đồng.

Ông Phú cho biết: Năm 2015, vườn hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt khiến gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Không cam chịu, ông quyết tâm gầy dựng lại bằng việc trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình vườn-ao-chuồng. Cụ thể, ông trồng sầu riêng, bơ xen với cà phê trên diện tích gần 13 ha; dành 2 sào đất để đào ao nuôi cá cũng như cung cấp nước tưới cho vườn cây. Ngoài ra, ông xây dựng chuồng trại nuôi 70 con heo nái và 700 con heo thịt.

“Chất thải từ chăn nuôi được ủ hoai làm phân bón cho cây trồng. Còn nuôi bèo cung cấp thức ăn cho cá và dùng cá làm thức ăn cho heo. Nhờ đó, gia đình giảm được chi phí thức ăn cho đàn vật nuôi và phân bón cho cây trồng, đảm bảo việc chăn nuôi, trồng trọt an toàn, thân thiện với môi trường”-ông Phú cho hay.

Ông Nguyễn Đình Phú (làng Hố Lang, xã Chư Pơng) đầu tư máy móc, làm giàn phơi thực hiện mô hình chế biến cà phê ướt. Ảnh: Quang Tấn

Ông Nguyễn Đình Phú (làng Hố Lang, xã Chư Pơng) đầu tư máy móc, làm giàn phơi thực hiện mô hình chế biến cà phê ướt. Ảnh: Quang Tấn

Để phát triển trang trại theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, ông Phú tiếp tục đầu tư 1,5 tỷ đồng mua máy móc để chế biến cà phê ướt. Theo đó, ông xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh khép kín từ thu hái, sơ chế, đóng gói đến cung cấp hạt cà phê cho các doanh nghiệp rang xay, chế biến.

Với cách làm này, mỗi năm, gia đình ông bán ra thị trường 50 tấn cà phê nhân. Hiện sản phẩm cà phê của gia đình ông đã được đăng ký logo với thương hiệu “PHUOC FARM”.

Cũng là hộ tích cực trong chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo hướng hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Tấn Lục (thôn 4, xã Ia Hlốp) đã có thu nhập khá. Với 2 ha đất, ông Lục trồng xen 3 loại cây chủ lực gồm: 1.600 trụ hồ tiêu, 1.200 cây cà phê và 100 cây sầu riêng.

Ngoài ra, ông trồng thêm các loại cây ngắn ngày như chanh dây, đậu phộng trên diện tích đất tái canh, đất trống. “Vườn cây của gia đình cho thu hoạch quanh năm. Trong đó, tháng 9 thu hái sầu riêng, tháng 11 thu hái cà phê và tháng 3 thu hoạch hồ tiêu. Mỗi năm, gia đình thu về gần 400 triệu đồng”-ông Lục chia sẻ.

Bên cạnh vườn cây, ông Lục còn chế biến các sản phẩm tiêu xanh, sản xuất phân hữu cơ. Được biết, một số sản phẩm tiêu xanh của ông hiện đã đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thông qua các mối quan hệ, giới thiệu của bạn bè và mạng xã hội. Bước đầu, người tiêu dùng đã có những đánh giá tốt về sản phẩm. “Hiện tôi có 3 loại sản phẩm gồm: tiêu sữa, tiêu xanh ủ muối và tiêu xanh một nắng. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư máy móc để làm hoàn chỉnh sản phẩm tiêu xanh và chế biến tiêu sọ. Đồng thời, tôi nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm”-ông Lục thông tin.

Đánh giá về mô hình sản xuất của ông Lục, ông Kpuih Lan-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Hlốp-cho biết: “Ông Lục là một trong những điển hình về thực hành nông nghiệp hữu cơ ở địa phương với sự kiên trì và sáng tạo. Đến nay, mô hình này được nhiều nông dân trong huyện tìm tới học hỏi. Ông Lục cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất phân bón hữu cơ cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn. Do nhu cầu của người dân cần làm và sử dụng phân hữu cơ đang phát triển mạnh nên ông đang cân nhắc thời gian để giúp các hộ hội viên nông dân phát triển nông nghiệp xanh, bền vững”.

Chọn hướng sản xuất sạch

Gia đình ông Phạm Công Tới (thôn 5, xã Ia Pal) rất phấn khởi khi vừa thu hoạch vụ nhãn đầu tiên. Càng vui hơn khi được HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân (tỉnh Đak Lak) đến tận vườn hướng dẫn thu hoạch, đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và thu mua toàn bộ sản phẩm.

Ông Tới cho biết: Năm 2020, gia đình ông cùng một số hộ trong thôn liên kết với HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân để trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt, gia đình tự mua thêm cây giống của HTX về trồng trên diện tích hồ tiêu chết. Năm nay, gia đình ông có 400 cây nhãn cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 30 kg quả/cây.

“Với 400 cây nhãn Hương Chi, tôi thu được hơn 11 tấn quả đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, được HTX bao tiêu toàn bộ với giá 26-27 ngàn đồng/kg, cao hơn so với thị trường khoảng 2 ngàn đồng/kg. Lợi nhuận đạt khoảng 140 triệu đồng. 200 cây còn lại, dự kiến sẽ thu hoạch vào năm sau. Trồng nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP chi phí đầu tư thấp hơn so với cà phê và hồ tiêu, đầu ra lại ổn định nên tôi rất yên tâm”-ông Tới nói.

Vụ nhãn năm nay, gia đình ông Phạm Công Tới (thôn 5, xã Ia Pal) thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Sang

Vụ nhãn năm nay, gia đình ông Phạm Công Tới (thôn 5, xã Ia Pal) thu nhập khoảng 140 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Sang

Bà Đỗ Thị Huệ-Phó Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Trường Xuân-cho hay: Hợp tác xã liên kết với 50 hộ dân ở huyện Chư Sê trồng hơn 60 ha nhãn Hương Chi theo tiêu chuẩn VietGAP. Đơn vị cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

“Vụ thu hoạch năm nay, chúng tôi đến từng vườn hướng dẫn người dân cách cắt quả, đóng gói bao bì sản phẩm đảm bảo theo yêu cầu của HTX. Thời gian tới, HTX tiếp tục mở rộng diện tích, hình thành chuỗi liên kết. Cùng với đó là lắp đặt hệ thống camera tại các vườn cây để giám sát, quản lý vùng trồng. Ngoài ra, chúng tôi đang làm chứng nhận VietGAP và mã vùng trồng để hướng đến thị trường xuất khẩu cũng như xây dựng nhà xưởng đóng gói tại Chư Sê”-bà Huệ thông tin.

Trang trại hơn 3 ha gồm cà phê, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc của gia đình ông Nguyễn Anh Vũ (thôn 1, xã Ia Hlốp) là một trong những mô hình có hiệu quả. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng xen cây ăn quả như mít, sầu riêng xen trong vườn cà phê theo hướng hữu cơ và xây dựng chuồng trại nuôi bò, heo. Mỗi năm, gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ông Vũ cho biết: “Mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 200 con heo thịt và 5 con bò. Cùng với đó, gia đình có 300 cây sầu riêng (50 cây đã cho thu hoạch), 60 cây mít trồng xen với 2 ha cà phê. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập trên 300 triệu đồng/năm”.

Sau gần 3 năm thành lập, Nông hội trồng cây ăn quả xã Ia Blang đã thu hút 72 thành viên tham gia canh tác gần 100 ha sầu riêng. Anh Nguyễn Phước Thiện (thôn 2) cho biết: Năm 2015, tôi phá bỏ 5 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh để chuyển sang trồng sầu riêng.

“Vụ thu hoạch năm ngoái, với giá bán tại vườn 46-55 ngàn đồng/kg, gia đình lãi hơn 2 tỷ đồng. Do trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên chất lượng quả thơm ngon, được thương lái đến tận vườn thu mua. Việc tham gia nông hội giúp tôi có thêm kinh nghiệm trồng và chăm sóc sầu riêng theo quy trình sản xuất an toàn, cho năng suất, chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”-anh Thiện chia sẻ.

Nhờ trồng rau xanh, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Nhật (làng Ring Răng, xã Dun) thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Ảnh: Ngọc Sang

Nhờ trồng rau xanh, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Nhật (làng Ring Răng, xã Dun) thu nhập khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí. Ảnh: Ngọc Sang

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê: Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã áp dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch gắn với chế biến để cung cấp cho thị trường. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động người dân chọn cây giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ để vườn cây phát triển bền vững. Đồng thời, liên kết với các HTX, doanh nghiệp sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nhật (làng Ring Răng, xã Dun) cũng thành công với mô hình trồng rau xanh theo hướng hữu cơ. Ông cho hay: Gia đình trồng hơn 3 sào rau xanh trên diện tích hồ tiêu bị chết. Ngoài ra, ông còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun sương cho vườn rau. Nhờ đó, không chỉ tiết kiệm được nguồn nước tưới và nhân công lao động mà còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận cho gia đình.

“Từ khi trồng rau xanh, gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhận thấy trồng rau màu cho thu nhập ổn định nên nhiều hộ trong làng đã chuyển đổi sang trồng với diện tích 4 ha, hình thành vùng chuyên canh rau an toàn của xã. Tháng 8-2022, Hội Nông dân xã vận động các hộ liên kết thành lập Nông hội trồng rau. Từ khi tham gia nông hội, các thành viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệm sản xuất, làm ra sản phẩm với số lượng lớn, đáp ứng nhu cầu của thương lái, đầu ra cũng ổn định”-ông Nhật kể.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Hữu Tỵ-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Sê-thông tin: Hiện nay, nhiều hộ nông dân trong huyện đã liên kết thành lập nông hội sản xuất theo hướng an toàn, bước đầu mang lại thu nhập khá. Thời gian tới, Hội tiếp tục vận động hội viên đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp với quy mô lớn theo hướng liên kết sản xuất sạch gắn với nhu cầu thị trường. Đồng thời, vận động hội viên nâng cao nhận thức trong sản xuất sạch nhằm đưa nông sản thế mạnh ra thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương để phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.

Có thể bạn quan tâm