(GLO)- Tuy mùa mưa năm nay đến muộn hơn so với mọi năm nhưng lại mưa đều nên tương đối thuận lợi cho việc sản xuất vụ mùa trên địa bàn tỉnh, giúp năng suất nhiều loại cây trồng tăng so với năm trước. Hiện nông dân các địa phương đang tích cực thu hoạch vụ mùa 2016 để chuẩn bị đất sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017.
Tại các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch vụ mùa, đặc biệt là với các loại cây như lúa, hoa màu, mì… Theo ghi nhận bước đầu, năng suất các loại cây trồng vụ mùa (trừ cây đậu xanh) đều ở mức tương đương và cao hơn các vụ mùa trước, mặc dù vào đầu vụ sản xuất, hầu hết các huyện phía Đông tỉnh đều chịu ảnh hưởng tương đối nặng nề do hạn hán. Canh tác 3 sào lúa giống Khang Dân và Tám Thơm, hộ ông Huỳnh Tấn Phúc (thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang) thu được trên 1,5 tấn thóc. “Lúa cũng bị hạn hồi đầu vụ song nhà tôi vẫn bơm được nước lên ruộng cứu lúa. Giai đoạn lúa làm đòng trở đi trời mưa thường xuyên nên năng suất không bị ảnh hưởng nhiều”- ông Phúc nói.
Người dân huyện Đak Pơ thu hoạch bắp. Ảnh L.N |
Tại huyện Kông Chro, đến nay, nông dân đã thu hoạch được 17.297/36.231 ha cây trồng các loại. Trong đó, bắp lai 9.270 ha, đậu các loại 3.437 ha, rau các loại 2.168 ha, lúa nước 192 ha, lúa rẫy 105,7 ha… Bà Nguyễn Thị Minh (tổ 2, thị trấn Kông Chro) cho biết: “Gia đình tôi có 3 sào lúa vừa thu hoạch xong được hơn 1 tấn lúa, năng suất đạt mức trung bình so với các năm trước”.
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Năm nay, trên địa bàn mưa khá nhiều. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhất là nguồn nước tưới dự trữ cho vụ Đông Xuân sắp tới. Bên cạnh đó, mưa nắng đan xen cũng không gây nhiều khó khăn cho việc thu hoạch của bà con. Năng suất các loại cây trồng trên địa bàn tương đối ổn định so với các vụ mùa trước. Cụ thể, bắp lai ước đạt 46,9 tạ/ha, rau các loại ước đạt 60 tạ/ha, lúa nước ước đạt 32 tạ/ha, đậu các loại ước đạt 20,3 tạ/ha. Riêng đậu xanh do người dân gieo trồng sớm, chu kỳ sản xuất ngắn nên chịu tác động mạnh mẽ của thời tiết khô hạn, năng suất chỉ đạt 6 tạ/ha. Hiện ngành Nông nghiệp và PTNT huyện đang đốc thúc nhân dân tranh thủ khoảng thời gian thuận lợi để thu hoạch, đồng thời chuẩn bị cho vụ sản xuất sau”.
Tương tự, các huyện Đông Nam tỉnh cũng đã thu hoạch xong những diện tích cây trồng bị ngập do mưa lũ và đang thu hoạch những diện tích còn lại. Ông Bùi Trọng Thành-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho biết: Đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã thu hoạch được trên 85% diện tích lúa nước 2 vụ, năng suất đạt trên 6,5 tấn/ha, tăng hơn những vụ trước. Đặc biệt, thấy được hiệu quả từ việc triển khai cánh đồng lúa 1 giống, năm nay huyện tiếp tục triển khai tại các xã Ia Sol và Ia Ake với diện tích 77 ha, năng suất đạt khoảng 7 tấn/ha, cá biệt có nhiều diện tích năng suất đạt 8-9 tấn/ha giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích.
Người dân thu hoạch mì. Ảnh: L.N |
Tuy nhiên, đợt mưa lũ vừa qua đã làm năng suất và chất lượng nhiều loại cây trồng tại một số địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, mưa lũ đã làm cho hơn 2.833 ha cây trồng các loại trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại, ước khoảng 42,84 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Krông Pa với hơn 32,1 tỷ đồng. Theo đó, tại huyện Krông Pa có đến hơn 2.095 ha cây trồng các loại bị ngập, trong đó có 1.498,6 ha mì. Diện tích mì đang trong quá trình tạo củ này bị thối rữa do úng nước.
Vừa thu hoạch xong diện tích mì bị ngập úng tại buôn Phùm, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, anh Lê Văn Thanh cho biết: Gia đình tôi có 3 ha mì thì hơn 1,5 ha bị ngập trong nước. Dù nước đã rút nhưng củ mì vẫn bị thối. 3 ha mì này tôi đầu tư hơn 70 triệu đồng, giờ bị ngập nước phải nhổ sớm nên năng suất giảm gần một nửa.
Lê Nam-Hải Lê