Trước đây, khi nhắc đến Hbông, mọi người thường hình dung ngay đến vùng đất khô cằn, sỏi đá. Đến năm 2016, một số hộ đã mạnh dạn đưa cây mía về trồng thử nghiệm tại vùng đất Hbông.
Tiên phong trong việc đưa cây mía về vùng đất khó này là gia đình anh Đinh Văn Tạ (làng Kte). Anh Tạ cho biết: Năm 2007, gia đình anh chuyển từ huyện Phú Thiện về Hbông lập nghiệp. Ban đầu, anh trồng cao su và hồ tiêu. Thế nhưng, các loại cây trồng này đều bị chết vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn đầu tư trồng mía. Khoảng 5 năm nay, gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
“Gia đình tôi trồng mía được hơn 10 năm rồi. Đến nay, diện tích mía của gia đình đã tăng lên 65 ha. Mỗi héc ta mía sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 30-32 triệu đồng. Nhờ cây mía, gia đình tôi xây được căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua được xe ô tô để đi lại cho thuận tiện. Dự kiến trong năm 2025, tôi sẽ thuê thêm 15 ha đất nữa để mở rộng diện tích mía”-anh Tạ chia sẻ.
Cũng bén duyên với cây mía từ năm 2017, gia đình chị Hoàng Thị Sấy (làng Queng Xí Nghiệp) đã có đời sống kinh tế khá giả, làm được nhà cửa khang trang, nuôi con cái học hành đến nơi đến chốn.
Chị Sấy cho hay: Trước đây, gia đình chị có 10 ha bắp và mì nhưng không tích lũy được bao nhiêu. Sau khi tham khảo các mô hình kinh tế nông nghiệp, chị chuyển đổi sang trồng mía. Cây mía phát triển rất tốt, năng suất trung bình đạt 100-110 tấn/ha, lợi nhuận 40-45 triệu đồng/ha. Niên vụ 2023-2024, gia đình chị lãi 450 triệu đồng. “Cây mía đã giúp nhiều hộ dân đổi đời, trong đó có gia đình tôi”-chị Sấy vui mừng nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (làng Ia Sa) trồng 7 ha mía. Nhờ chăm sóc tốt nên năng suất mía đạt 110-115 tấn/ha. Hàng năm, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hỗ trợ từ khâu làm đất, phân bón, chăm sóc, thu hoạch. Vụ mía 2023-2024, gia đình ông lãi 350 triệu đồng. Ông Vinh bày tỏ: “Nhờ cây mía mà gia đình tôi vừa làm được căn nhà trị giá gần 1 tỷ đồng”.
Ông Bùi Văn Cường-Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Chủ nhiệm Nông hội trồng mía xã Hbông-thông tin: Xã Hbông có diện tích rộng nhưng phần lớn là đất sỏi đá. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới khó khăn nên nhiều loại cây trồng không phát triển được. Bắp và mì là 2 loại cây trồng chính của xã nhưng năng suất thường rất thấp khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, cây mía đã trở thành cây trồng chủ lực giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có 1.964 ha mía.
“Để tiếp tục phát triển cây mía ổn định, xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch để giúp bà con canh tác đúng kỹ thuật, tạo động lực cho người dân phát triển kinh tế. Cùng với đó, xã phối hợp với Công ty Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai hỗ trợ vốn đầu tư, áp dụng cơ giới hóa các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch để người dân yên tâm sản xuất, tích cực mở rộng diện tích trồng mía, xây dựng cuộc sống ấm no”-ông Cường thông tin.