Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân Ia Le thu nhập cao nhờ chăn nuôi dê

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Nhằm nâng cao thu nhập, nhiều hộ nông dân ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh) đã đầu tư vào chăn nuôi dê. Mô hình này đang phát triển mạnh và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình chị Đỗ Thị Mơ (thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Thủy Phú) là một trong những hộ nuôi nhiều dê nhất ở xã Ia Le. Chị Mơ cho biết, trước đây, gia đình chị dùng cây keo lai làm trụ sống để trồng hồ tiêu. Năm 2013, xem trên ti vi và mạng internet biết lá keo lai là nguồn thức ăn rất tốt cho dê, chị bàn với chồng đầu tư 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua dê về nuôi. “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên ở xã Ia Le nuôi dê lai. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm nên vợ chồng tôi chỉ dám mua 5 con dê giống về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình tôi đã tăng lên 170 con”-chị Mơ chia sẻ.

 

Chị Đỗ Thị Mơ (thôn Thủy Phú, xã Ia Le) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: L.T
Chị Đỗ Thị Mơ (thôn Thủy Phú, xã Ia Le) chăm sóc đàn dê của gia đình. Ảnh: L.T

Theo chị Mơ, nuôi dê không khó nhưng chuồng trại phải thoáng mát, sạch sẽ để tránh cho dê bị bệnh. Từ chăn nuôi dê, gia đình chị đã có nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm. “Nuôi dê có nhiều cái lợi, vừa tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có, vừa có phân bón cho các loại cây trồng. Hiện nay, gia đình tôi đang phối hợp với các hộ khác trong thôn phát triển nghề chăn nuôi dê để có nguồn thu nhập ổn định”-chị Mơ cho biết.

Cũng là thành viên Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Thủy Phú, anh Lê Xuân Hùng cho biết: “Trước tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt, tháng 2-2016, tôi đã học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi dê của các hộ gia đình khác trong thôn rồi mua 4 con dê giống về nuôi. Đến nay, đàn dê của gia đình tôi đã phát triển lên trên 40 con. Không những thu lại vốn, gia đình tôi còn lãi 60-70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi dê”.

Anh Đoàn Ngọc Thành-Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê thôn Thủy Phú, cho biết: “Nuôi dê sinh sản tương đối dễ, vốn đầu tư thấp, nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương lại dồi dào. Mỗi  năm, dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3-4 con. Vì vậy, trong thôn có rất nhiều hộ đầu tư chăn nuôi dê. Hiện nay, thôn Thủy Phú có khoảng 50/203 hộ chăn nuôi dê, ước tính trên 2.000 con. Chi hội Nông dân thôn Thủy Phú mới thành lập Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê với 15 thành viên tham gia để các hộ nuôi dê trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả chăn nuôi”.

Ia Le là một trong 2 xã có đàn dê lớn nhất huyện Chư Pưh với 6.327 con. Các giống dê được người dân nuôi chủ yếu là dê cỏ, dê Bách Thảo, dê Boer. Ông Đỗ Văn Đặng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Le, cho biết: “Dê là vật nuôi ít dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào, thị trường tiêu thụ ổn định. Để nghề chăn nuôi dê phát triển, giúp người dân trên địa bàn xã cải thiện đời sống, cùng với việc mở lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật làm chuồng trại, chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê, Hội Nông dân xã còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn vận động bà con thành lập các Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi dê, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục phát triển nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và tạo điều kiện cho các hội viên tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để mua con giống, tiến tới phát triển nghề chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa”.

Lê Trang

Có thể bạn quan tâm