Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân kỳ vọng mùa màng bội thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai chọn mùng 4 và mùng 5 Tết để xuống đồng. Tất cả mọi người đều mong sao năm mới sản xuất thuận lợi hơn, nông sản được mùa, được giá, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá các loại vật tư nông nghiệp không còn leo thang.

Cũng như nhiều người trồng rau, hoa trong tỉnh, dịp Tết là thời điểm bận rộn của gia đình bà Lê Thị Phước (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku). Sau khi chúc Tết người thân, bạn bè, bà Phước tranh thủ thu hái 1,5 sào đậu cô ve đang để cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ trong dịp Tết. Dù vất vả song bù lại giá đậu cô ve những ngày đầu năm tăng lên 10.000 đồng/kg.

Bà Lê Thị Phước (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku) thu hoạch đậu cô ve dịp Tết. Ảnh: N.D

Bà Lê Thị Phước (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku) thu hoạch đậu cô ve dịp Tết. Ảnh: N.D

Bà Phước cho biết: “Từ nhiều năm nay, gia đình tôi có 3 sào đất chuyên trồng các loại rau xanh và hoa xoay vòng theo từng thời điểm. Năm vừa rồi không mấy thuận lợi đối với người trồng rau, hoa. Thời điểm trước Tết, giá rau xanh giảm mạnh, còn hoa lay ơn nở sớm nên nguồn thu nhập giảm so với dịp Tết năm ngoái. Mấy ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, niềm vui lớn nhất của gia đình là 1,5 sào đậu cô ve bắt đầu vào vụ thu hoạch chính, giá tăng mạnh so với thời điểm trước Tết. Trong năm mới, tôi cũng như nhiều nông dân trong tỉnh mong sao mưa thuận gió hòa, giá phân bón, vật tư nông nghiệp giảm, giá các mặt hàng nông sản duy trì ổn định ở mức cao”.

Từ nhiều năm nay, cánh đồng An Phú (TP. Pleiku) đã trở thành vùng chuyên canh rau, hoa, quả. Sản phẩm không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh mà còn đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Dù vậy, giá các mặt hàng rau, củ, quả còn bấp bênh về đầu ra, điệp khúc “được mùa, mất giá” luôn là nỗi lo thường trực đối với người dân. Điển hình như vụ rau Tết vừa rồi, nhiều hộ trồng rau, củ, quả nơi đây lỗ nặng do giá thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Ông Lê Thành Trung (thôn 4, xã An Phú) cho hay: “Người trồng hoa lay ơn dịp Tết năm nay coi như bỏ. Không chỉ giá giảm sâu mà việc tiêu thụ cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều vườn để nở đầy vì không có người mua. Gia đình tôi may mắn hơn nhờ có đầu mối tiêu thụ ổn định nên 5 sào hoa lay ơn đều bán hết dù giá giảm gần một nửa so với Tết năm ngoái. Mong sao sang năm mới, các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, để mọi người, mọi nhà có cuộc sống ổn định hơn”.

Không khí ra quân lao động đầu năm tại các huyện Chư Sê, Chư Pưh cũng khá nhộn nhịp. Người ra đồng lấy nước vào ruộng lấy ngày; người đi tưới cà phê, hồ tiêu; nhiều hộ cũng bắt đầu thu hoạch hồ tiêu… Tại vườn hồ tiêu hơn 2.000 trụ của gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh), không khí thu hoạch đầu năm khá nhộn nhịp.

Bà Hạnh vui vẻ nói: “Do hồ tiêu năm nay chín sớm nên tôi thuê nhân công với giá nhích hơn so với ngày thường để thu hoạch, tránh hồ tiêu chín rụng nhiều. Năm vừa rồi, thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi nên năng suất hồ tiêu vụ này cao hơn. Với diện tích này, tôi ước thu được khoảng 6 tấn tiêu khô. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu cũng có chiều hướng tăng so với những năm trước, là tín hiệu vui đối với người nông dân. Mong sao năm mới giá hồ tiêu và các loại nông sản như sầu riêng, cà phê tiếp tục đà tăng để người nông dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Nông dân xã An Phú chăm sóc rau phục vụ sau Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp

Nông dân xã An Phú chăm sóc rau phục vụ sau Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp

Bên cạnh ước nguyện sang năm mới có thêm những mùa vụ bội thu, bà con nông dân trong tỉnh cũng mong các cơ quan, ban, ngành vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa để giúp về khoa học kỹ thuật, đưa các cây-con giống chất lượng, kháng sâu bệnh vào sản xuất cũng như kiểm soát tốt thị trường. Đặc biệt, nhiều nông dân mong muốn có thị trường thông thoáng, không còn tình trạng thương lái ép giá khiến người dân thiệt thòi. Đồng thời, quan tâm xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp để nâng tầm giá trị nông sản Gia Lai trên thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-chia sẻ: Bước sang năm Giáp Thìn 2024, ngành Nông nghiệp huyện mong mưa thuận, gió hòa, giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao và ổn định hơn để bà con nông dân có mùa màng bội thu. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân nông thôn, góp phần hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào cuối năm 2025.

Có thể bạn quan tâm