Kinh tế

Nông nghiệp

Nông dân tất bật chăm sóc vụ rau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để chủ động nguồn rau, củ, quả cung ứng thị trường dịp Tết Nguyên đán, những ngày này bà con nông dân tại các vùng trồng rau trên địa bàn tỉnh đang tất bật chăm sóc với mong muốn sẽ mang lại nguồn thu nhập khá.

Đa dạng các loại rau

Huyện Đak Pơ là một trong những vùng trồng rau chuyên canh của Gia Lai. Các loại rau, củ, quả được bà con trồng quanh năm, chủ yếu tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị... với sản lượng khoảng 150 tấn rau, củ, quả/ngày. Thời gian này, các cánh đồng cà chua, bắp cải, đậu đỗ, dưa leo, bắp cải, súp lơ, xà lách, hành lá, ngò thơm... đang mướt xanh chờ ngày thu hái.

Là địa phương chuyên trồng rau màu, tại xã An Tân những ngày này, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc diện tích rau, củ, quả để kịp thu hoạch phục vụ Tết. Ông Lê Kim Ngọc-Chủ tịch UBND xã Tân An-cho biết: “Toàn xã có khoảng 650 ha rau màu các loại. Để đáp ứng nhu cầu rau cho thị trường Tết, khoảng 1 tháng nay bà con nông dân trong xã đã xuống giống và chăm sóc các loại rau với hy vọng sẽ mang lại một vụ mùa bội thu”.

Gia đình ông Phạm Đức Hiệp (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đang chăm sóc vườn rau để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Ảnh: H.P

Gia đình ông Phạm Đức Hiệp (thôn Tân Sơn, xã Tân An, huyện Đak Pơ) đang chăm sóc vườn rau để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp cuối năm. Ảnh: H.P

Đang chăm tưới khoảng 6 sào rau của gia đình, ông Phạm Đức Hiệp (thôn Tân Sơn, xã Tân An) cho hay: Rau màu ở đây được trồng quanh năm, là nguồn thu nhập chính. Thời điểm này, bà con tập trung chăm sóc cho rau cuối năm vì thường được giá hơn so với những thời điểm khác. “Vụ này, gia đình tôi trồng 2 sào ngò, 1 sào cải cúc, 1,2 sào ớt, 1 sào hành lá còn lại trồng các loại rau khác. Hiện tại các diện tích rau của tôi khoảng 2 tuần nữa là cho thu hoạch. Tôi mong những ngày cuối năm rau được giá để gia đình có thêm nguồn thu nhập”-ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Hiệp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ-cho biết: “Trên địa bàn huyện, ngoài sản xuất mía và mì, rau màu cũng là một trong những cây trồng chủ lực, có thế mạnh của huyện. Toàn huyện có khoảng 2.000 ha đất trồng rau; trong đó, 2 xã Tân An và Cư An chuyên canh với hơn 1.200 ha rau. Mỗi năm người dân trong huyện xuống giống từ 3-4 vụ, năng suất rau trung bình đạt trên 200 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 140 ngàn tấn. Đầu mối cung cấp rau cho thị trường thông qua Hợp tác xã Nông nghiệp An Bình Tân An và Hợp tác xã vận tải Đak Pơ; ngoài ra còn có 65 cơ sở thu gom rau quy mô vừa và nhỏ. Để giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập từ trồng rau, hàng năm, Phòng đã phối hợp với các xã mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học-kỹ thuật sản xuất rau an toàn cho nông dân; tuyên truyền bà con không sản xuất ồ ạt 1 loại rau, củ, quả mà trồng giãn vụ, sản xuất theo hợp đồng gắn với nhu cầu thị trường nhằm hạn chế tình trạng cung vượt cầu”.

Nhiều nông dân tất bật chăm sóc vụ rau Tết. Ảnh: H.P

Nhiều nông dân tất bật chăm sóc vụ rau Tết. Ảnh: H.P

Mong muốn giá cả ổn định

Tại TP. Pleiku vào thời điểm này, bà con nông dân tích cực áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết.

Bà Phan Thị Hoài Thương-Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Pleiku-cho biết: “Diện tích rau, củ, quả các loại phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 trên địa bàn thành phố vào khoảng 250 ha, được trồng tập trung tại các xã: An Phú, Chư Á và phường Thắng Lợi, Thống Nhất. Hiện nay, bà con đang tích cực chăm sóc để có nguồn rau cung ứng cho thị trường dịp Tết. Nhìn chung các loại rau rất đa dạng, dự kiến sẽ cho năng suất vượt trội vì thời tiết thuận lợi, người dân lại có sự chuẩn bị chu đáo từ trước về kỹ thuật làm đất cũng như cây giống, đầu tư cách chăm sóc. Những năm gần đây, bà con đã áp dụng quy trình sản xuất sạch để sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, sản phẩm rau, củ, quả không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh như: Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) đang chăm sóc ruộng cà chua của gia đình. Ảnh: H.P

Bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) đang chăm sóc ruộng cà chua của gia đình. Ảnh: H.P

Đang cặm cụi chăm sóc từng hàng cà chua lúc lỉu trái, chuẩn bị cho thu hoạch, bà Nguyễn Thị Hoa (thôn 7, xã An Phú) bộc bạch: “Sau khi thu hoạch xong ruộng dưa leo và cải ngọt, tôi tiến hành làm đất để trồng 1,7 sào cà chua và 1,5 sào hành lá cho kịp thời vụ. Hiện vườn cà chua của tôi đang phát triển rất tốt, nếu giá cả ổn định như mọi năm, sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu về vài chục triệu đồng”.

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Trên địa bàn tỉnh có hơn 10 ngàn ha diện tích trồng rau màu các loại để phục vụ thị trường Tết năm nay, năng suất bình quân dự kiến đạt từ 150-155 tạ/ha. Sở đã ban hành văn bản đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, tránh sử dụng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả... phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng những sản phẩm trồng trọt có thương hiệu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhìn chung, tình hình sản xuất rau màu tại nhiều địa phương đang diễn ra rất thuận lợi, hứa hẹn một mùa rau Tết bội thu, mang lại thu nhập ổn định cho bà con nông dân”.

Có thể bạn quan tâm