Việc trồng các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng đã giúp anh Lê Sỹ Hòa (thôn 8, xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, anh Hòa cũng vừa được Hội đồng Chung khảo Trung ương bình chọn nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Từ cơ khí đến "lấn sân" sang làm nông nghiệp
Được cán bộ Hội Nông dân xã Tân Lạc dẫn đến trang trại rộng 5ha của gia đình anh Lê Sỹ Hòa, phóng viên rất vui vì được trải nghiệm hái sầu riêng trên cây cùng chủ vườn. Ông Lê Sỹ Hòa trong trang phục lao động hàng ngày đã rất nhiệt tình hướng dẫn thu hoạch sầu riêng và chia sẻ về thăng trầm trong chuyện khởi nghiệp của mình.
Anh Nguyễn Sỹ Hòa (đội mũ), Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 đến từ tỉnh Lâm Đồng dẫn đoàn phóng viên đi tham quan khu vườn trồng sầu riêng mang lại doanh thu khủng của gia đình mình. Ảnh: Văn Long |
"Gia đình tôi "Nam tiến" đến Lâm Đồng từ năm 2003. Trước đó, tôi có học chuyên ngành cơ khí ở miền Bắc, thế nhưng vì công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên tôi đã chọn quay về làm nông nghiệp cùng với gia đình để phát triển kinh tế trên mảnh đất này.
Khi tôi về làm nông nghiệp, tôi thấy mình rất đam mê với lĩnh vực này. Cách đây khoảng 10 năm, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng chó chương trình hỗ trợ nông dân mua cây sầu riêng giống về trồng. Ban đầu, kinh nghiệm, kỹ thuật chưa có nên hiệu quả không cao. Từ năm 2012, tôi tham gia các lớp tập huấn, tự tìm tòi kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng nên đến nay đã có những kết quả nhất định", anh Lê Sỹ Hòa chia sẻ.
Trước khi chuyển qua làm nông, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Lâm Đồng - anh Lê Sỹ Hòa từng làm việc chuyên về cơ khí. Ảnh: Văn Long |
Ông Võ Pháp Luật, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lạc cho biết, mô hình trồng cây ăn trái, cụ thể là trồng sầu riêng của anh Hòa là mô hình đi đầu trong sản xuất VietGAP để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế địa phương. Đây cũng là mô hình được người dân địa phương đã đến học hỏi kinh nghiệm, áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
"Anh Hòa là thành viên trong 1 câu lạc bộ trồng cây ăn trái của Hội Nông dân xã Tân Lạc. Thông qua câu lạc bộ này, anh Hòa cùng các thành viên sẽ đến tận nhà hướng dẫn kỹ thuật trồng cây, ghép cây, xây dựng hệ thống tưới nước, phân bón tự động. Trước đây, người dân tại địa phương chủ yếu trồng cà phê, nhưng sau đó các hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng cây sầu riêng và có hiệu quả cao gấp 10 lần so với cây cà phê, cây chè", ông Luật nhận định.
Anh Lê Sỹ Hòa thu hoạch những quả sầu riêng đã đủ tuổi trong khu vườn của mình tại xã Tân Lạc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long |
Dẫn phóng viên tham quan vườn sầu riêng, anh Hòa cho biết, cây sầu riêng là cây khá cao nhưng cành rất dễ gãy nếu có gió to. Vì vậy, anh phải dùng hệ thống dây liên kết các cành lại với nhau để không bị gãy nếu trời mưa bão. Song song với đó, khi quả sầu riêng to chuẩn bị cho thu hoạch sẽ được dùng dây nhựa buộc cố định, tránh rơi rụng khi chưa thu hoạch kịp.
Hiện nay, anh Hòa đang trồng chủ yếu cây sầu riêng và cây bơ trên diện tích 5ha. Trong đó, 2 ha thu hoạch chính và có năng suất ổn định.
Đến mô hình trồng sầu riêng cho lợi nhuận tiền tỷ
"Trong vườn của tôi chủ yếu trồng bơ và sầu riêng xen canh với nhau. Việc xen canh này mang lại hiệu quả rất cao bởi mùa sầu riêng và bơ không trùng nhau. Tôi chăm sóc cả hai loại cây như nhau, khi thu hoạch hết bơ thì lại đến sầu riêng và ngược lại. Trong khi đó, giá và thị trường của hai loại trái cây này khá ổn định.
Khó khăn lớn nhất của tôi là tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa" và thị trường không ổn định. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, tôi luôn tìm thị trường ổn định nhất và tổ chức lại quy trình sản xuất sao cho phù hợp, khoa học. Hội Nông dân đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc tìm đầu ra ổn định cho trái cây qua các kênh bán hàng của bưu điện, liên kết các tổ hợp tác xã với nhau để có thị trường. Với diện tích xen canh của gia đình, mỗi năm tôi có lợi nhuận trên 1,2 tỷ đồng", anh Hòa chia sẻ.
Từ sầu riêng và bơ, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 ở Lâm Đồng đã có lợi nhuận từ 1-1,2 tỷ đồng/năm và sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới. Ảnh: Văn Long |
Không chỉ chăm sóc vườn cây của mình theo cách truyền thống, hiện nay anh Hòa còn áp dụng chuyển đổi số để tiết kiệm tối đa nhân công, nước và phân bón. Hiện, anh Hòa đang áp hệ thống tưới phun sương tự động điều khiển qua điện thoại để tiết kiệm nguồn nước. Song song với đó, anh Hòa còn tận dụng tối đa mạng xã hội như facebook, zalo để giới thiệu và bán sản phẩm của mình.
Anh Lê Sỹ Hòa cũng là nông dân đang tích cực áp dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp để phát triển kinh tế tại địa phương. Ảnh: Văn Long |
Chia sẻ với phóng viên, anh Hòa chia sẻ: "Trong thời gian sắp tới, người nông dân chúng tôi muốn tiếp cận được những nguồn vốn từ Hội, ngân hàng chính sách để có nguồn lực đầu tư áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa cho gia đình tại địa phương.
Danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 tôi được nhận là vinh dự rất lớn, là động lực để tôi phấn đấu, phát triển hơn nữa".
Anh Hòa rất vui và xúc động khi được chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022. Ảnh: Văn Long |
Nói về cách làm, mô hình trồng sầu riêng của anh Hòa, ông Lê Hồng Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Lâm cho biết: "Mô hình trồng cây ăn trái, cụ thể là trồng sầu riêng của anh Lê Sỹ Hòa rất tốt, rất hiệu quả. Vừa rồi, vườn sầu riêng của anh Hòa đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, những mô hình này cần được phát huy và lan rộng. Ngoài ra, anh Hòa còn tạo công ăn việc làm cho 50 lao động tại địa phương; giúp đỡ 17 hộ gia đình còn khó khăn về vốn, vật tư, cây giống để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Hiện trên địa bàn xã Tân Lạc có khoảng 15 mô hình như của anh Hòa và mang lại giá trị kinh tế rất cao. Hiện chúng tôi đang liên kết với bưu điện huyện để hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, giúp thương hiệu sầu riêng Bảo Lâm lên vị thế mới".
Theo Văn Long (Dân Việt)