Kinh tế

Nông nghiệp

Nông hội xã Ia Tul nâng tầm sản phẩm truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nông hội xã Ia Tul (huyện Ia Pa) được thành lập đầu năm 2020 với 34 hội viên chuyên sản xuất rượu ghè làm bằng men rễ cây rừng, đan lát và dệt thổ cẩm. Đây là nông hội đầu tiên của huyện với mong muốn liên kết các hộ và giới thiệu sản phẩm truyền thống của địa phương ra thị trường.
Theo ông Ksor Uyn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã kiêm Phó Chủ nhiệm Nông hội, trên địa bàn xã còn nhiều gia đình giữ được nghề truyền thống. Các bà, các mẹ vẫn tự dệt váy, áo, khăn để dùng; đàn ông thì đan những chiếc gùi, chiếc giỏ phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Một số gia đình ngoài ủ rượu ghè để dùng còn cung cấp cho người dân trong xã. Tuy nhiên, các sản phẩm vẫn chỉ dừng lại ở việc mua bán nhỏ lẻ. Do vậy, xã đã vận động các hộ cùng chung sở thích tham gia nông hội để phát triển quy mô, mở rộng thị trường, tăng thu nhập. 
Cẩn thận kiểm tra từng ghè rượu đang ủ trong góc nhà, chị Ksor H’Ben (buôn Biah A) chia sẻ: “Số rượu này mình đã ủ được 10 ngày và có thể dùng được rồi. Công việc làm rượu trước đây do mẹ mình phụ trách. Sau khi mẹ mất, mình mới tiếp quản vì muốn lưu giữ hương vị rượu truyền thống của gia đình”. Chị H’Ben cho hay, số lượng ghè bán ra tùy từng tháng, gần Tết có khi bán 30-40 ghè/tháng, nhưng thời điểm người dân đi hái cà phê thuê ở các huyện xa thì chỉ bán khoảng 10-15 ghè. Bí quyết để có những ghè rượu ngon, theo chị H’Ben ngoài lựa chọn gạo còn phải dùng đến 4 loại men làm từ lá, rễ cây rừng.
Chị Ksor H’Ben (buôn Biah A) cẩn thận kiểm tra từng ghè rượu nơi góc nhà. Ảnh: Anh Huy
Chị Ksor H’Ben (buôn Biah A) cẩn thận kiểm tra từng ghè rượu nơi góc nhà. Ảnh: Anh Huy
Mong muốn của chị H’Ben cũng như các hội viên Nông hội là duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình. Phó Chủ nhiệm Nông hội cho biết: Trước đây, buôn Tơ Khế có một số người thường xuyên vào rừng tìm lá cây, rễ cây về làm men rượu nhưng công thức này có nguy cơ thất truyền. Nguyên nhân một phần do nguyên liệu khan hiếm, người biết tìm nguyên liệu ngày một già yếu, không thể đi xa. Nhiều người trẻ cũng đã bỏ công theo người già vào rừng để tìm hiểu với mong muốn lưu giữ thứ men rượu quý giá từ thiên nhiên.
Ngoài sản xuất rượu ghè, Nông hội xã Ia Tul còn tập hợp những người có chung sở thích đan lát và dệt thổ cẩm. Bà Rơ Ô H’Đim-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, hội viên Nông hội-thông tin: Phụ nữ lớn tuổi trong làng đều biết dệt và dệt rất đẹp. Nhưng họ mới chỉ dừng lại ở việc dệt các sản phẩm dùng trong gia đình, tặng nhau trong các dịp quan trọng mà chưa thành hàng hóa. 
Chị Rơ Ô H’Linh (buôn Biah B) là hội viên trẻ tuổi của Nông hội bộc bạch: “Mình học nghề dệt từ mẹ và cũng thường xuyên dệt những tấm khăn nhỏ để địu con. Dệt xong 1 tấm khăn cũng mất khá nhiều thời gian nhưng mình thích tự làm, có thể theo ý mình lại rất bền, không tốn tiền mua”. Sau khi mua 10 cuộn len đủ màu, chị H’Linh kéo căng các sợi len lên khung dệt, sau đó dùng hồ được nấu từ bột gạo quét 1 lớp mỏng lên các sợi len cho cứng để dễ dệt. “Dệt xong, mình đem nhúng qua nước, các sợi len sẽ mềm trở lại. Mình hy vọng khi tham gia Nông hội sẽ được học hỏi thêm kỹ thuật dệt từ các bà, các chị, có thêm việc làm để được ngồi trước khung dệt thường xuyên hơn”-chị H’Linh trải lòng.
Sau gần 1 năm thành lập, Nông hội xã Ia Tul bước đầu đã hoạt động khá hiệu quả. Ngoài giải quyết việc làm, giữ nghề truyền thống, các hội viên có điều kiện trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, bước đầu đã có thu nhập từ sản phẩm đặc trưng, truyền thống. Ông Đỗ Hoàng Châu-Chủ tịch UBND xã Ia Tul-chia sẻ: “Xã sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để Nông hội hoạt động ngày càng hiệu quả, các hội viên gắn kết, giúp đỡ nhau để làm ra sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập. Đồng thời, UBND xã cùng với Nông hội tiến hành khảo sát, lựa chọn 1 trong 3 sản phẩm tốt nhất để xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương”. 
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm