Nông thôn mới ở Ayun

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự quan tâm của huyện Mang Yang cộng với phát huy những nguồn lực sẵn có và huy động sự đóng góp của nhân dân, đầu năm 2020, xã Ayun đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
So với năm 2011, khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, xã Ayun giờ đã thực sự “thay da đổi thịt”. Những con đường nhựa, đường bê tông nối các thôn, làng dần thay thế cho các tuyến đường đất. Màu xanh trù phú của ruộng đồng bao bọc khiến nhiều người khó nhận ra đây vốn là một xã nghèo của huyện Mang Yang.
Để có được diện mạo đổi thay ấy, nhiều năm qua, xã Ayun đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi được đầu tư nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Từ năm 2011 đến 2019, xã đã vận động nhân dân đóng góp hàng ngàn ngày công, kinh phí và hiến đất để làm đường bê tông xi măng, đường cấp phối trong thôn, làng, đường trục chính nội đồng với tổng chiều dài 19,56 km. Xã cũng đã có 8 công trình thủy lợi với chiều dài kênh tưới là 26 km.
Một góc làng Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang). Ảnh: K.P
Một góc làng Plei Bông (xã Ayun, huyện Mang Yang). Ảnh: K.P
Chứng kiến sự “thay da đổi thịt” từng ngày trên mảnh đất mình sinh sống, ông Prui (Plei Bông) chia sẻ: “Trước đây, đường trong làng, trong xã vừa nhỏ, vừa khó đi. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mọi người góp công góp sức làm đường mới, giờ đi lại sướng hơn nhiều rồi. Bà con ai cũng phấn khởi”.
Ngoài hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, các thiết chế khác cũng được xã quan tâm hoàn thiện. Toàn xã có 3/4 trường học đảm bảo cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Trạm Y tế xã được đầu tư, nâng cấp đạt chuẩn theo quy định. Xã không còn hộ phải ở trong nhà dột nát, nhà tạm... Đặc biệt, nhờ các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Để tạo sinh kế cho người dân thoát nghèo, từ nguồn vốn các chương trình 168, 135, 755... xã đã cấp phát 276 con bò giống, 17.484 kg lúa giống, 1.640 kg bắp giống, 47.764 kg phân NPK, 15.320 kg phân lân cho các hộ nghèo, cận nghèo, già làng, trưởng thôn có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất với tổng kinh phí hơn 5,1 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,6% năm 2011 xuống còn 6,45% năm 2019; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 18,69 triệu đồng năm 2011 lên 38 triệu đồng năm 2019. Đến cuối năm 2019, xã Ayun đã đạt 19/19 tiêu chí, chính thức “cán đích” NTM.
Trường mẫu giáo Ayun được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: K.P
Trường mẫu giáo Ayun được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: K.P
Nói về quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, ông Lê Văn Lắm-Chủ tịch UBND xã Ayun-cho hay: “Được công nhận xã đạt chuẩn NTM là động lực để người dân trong xã tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM hàng năm. Trong đó, xã chú trọng các tiêu chí phải giữ vững và ngày càng được nâng cao như: thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, y tế, giáo dục...”.
Đánh giá thành quả đạt được của xã Ayun trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, ông Lê Trọng-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-cho biết: “Trong quá trình triển khai thực hiện, cái khó nhất đối với xã Ayun là tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân chung tay cùng địa phương xây dựng NTM. Tuy nhiên, xã Ayun đã làm rất tốt điều này. Cùng với nguồn lực từ các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang thì nguồn lực trong nhân dân chính là sức mạnh giúp Ayun nhanh chóng hoàn thành 19 tiêu chí. Hy vọng thời gian tới, chính quyền xã cùng nhân dân tiếp tục phát huy thành quả đạt được, đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao chất lượng các tiêu chí, đưa đời sống của người dân ngày càng phát triển”.
KHÁNH PHONG

Có thể bạn quan tâm