“Tôi làm nghề xây dựng, kết thúc ca làm lúc 21h, xong anh em rủ ở lại. Tôi uống xong 2 chai thì về trước vì nghĩ uống chừng ấy sẽ không sao“, anh L.V.H, huyện Bình Chánh - TPHCM đã nói như vậy khi bị Đội CSGT Phú Lâm, thuộc Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TPHCM kiểm tra xử phạt đêm 1.3.
Rất nhiều người hồn nhiên "báo cáo" với cảnh sát giao thông như vậy. Uống ít, một chai, hai chai bia tưởng rằng không đáng kể. Đúng, một chai bia, một thùng bia khác nhau về số lượng, nhưng luật chỉ có một, đó là xử phạt.
Có trường hợp tài xế bị phạt nặng, khóc ròng vì chỉ uống có nửa chai bia, đó là tài xế L.M.K (phường Nam Ngạn, thành phố Thanh Hóa) bị xử phạt 35 triệu đồng và tạm giữ giấy tờ 23 tháng vì có nồng độ cồn vào mức 0.513 mg/1L khí thở.
Khi Nghị định 100 về "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt" ban hành, nhiều ý kiến cho rằng quy định về nồng độ cồn quá khắt khe. Cần phải giới hạn mức vi phạm tối thiểu, nếu vượt mức mới bị xử phạt.
Nếu du di như vậy, chắc chắn sẽ có rất nhiều người tự "du di" cho mình, uống rượu bia mà vẫn lái xe. Bằng chứng cho thấy, ngay cả khi quy định tuyệt đối không có nồng độ cồn, thì người lái xe vẫn phân bua chỉ uống ít, một hai chai bia mà thôi.
Đã có quá nhiều người chết, bị thương tật vì tai nạn giao thông, đó là sự mất mát và cũng là gánh nặng chung cho toàn xã hội. Cho nên, mỗi người phải tự ý thức rằng, bản thân hay người thân của mình, có thể là nạn nhân dưới bánh xe của ai đó. Cách duy nhất để bảo vệ mình khi ra đường là chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông.
Muốn người dân chấp hành nghiêm thì luật phải nghiêm, luật nghiêm hay không phụ thuộc vào người thực thi công vụ.
Cảnh sát giao thông tuần tra, xử lý vi phạm phải cương quyết, không có chuyện "em uống nửa chai bia" hay "bác uống một chai thôi". Cũng không có chuyện gọi điện nhờ người nhà can thiệp, xin xỏ, năn nỉ cho qua.
Những người gọi điện can thiệp có nghĩ rằng, xin "tha" cho một người có rượu bia lái xe, có thể là tiếp tay gây tai họa cho một ai đó.
Uống rượu bia không lái xe, đó là trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm công dân với xã hội.
Một quốc gia tiến bộ, văn minh, nhân văn thì không thể để tai nạn giao thông cướp đi hàng ngàn, vạn người mỗi năm. Hãy quý trọng và yêu thương con người bằng hành động cụ thể, chấp hành nghiêm luật pháp giao thông.