Website của một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đăng bài quảng cáo về dịch vụ của chính doanh nghiệp mình theo cách khá lạ đời, đó là kể chuyện một xã ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đau đầu tìm cán bộ trẻ vì họ bỏ việc công, đi XKLĐ cả. Điều này - theo chủ đích của người đăng bài - chứng tỏ XKLĐ đang rất hấp dẫn, giúp thoát nghèo và giàu nhanh!
Thực tế thì XKLĐ hàng chục năm qua đã đem lại nhiều giá trị lớn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo ở các địa phương. Đó là nhờ hàng loạt chủ trương, chính sách phù hợp của nhà nước. Đến nay, chúng ta đã đưa người lao động sang làm việc tại khoảng 25 thị trường, có cả những thị trường mới, khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu…
Nhưng song song với đó là rất nhiều bất cập, mà khó trị dai dẳng tập trung ở 3 vấn đề: tình trạng bát nháo trong hoạt động cung ứng dịch vụ XKLĐ, nạn lừa đảo XKLĐ và lao động bỏ trốn. Bên cạnh các công ty "danh môn chánh phái" uy tín, có không ít doanh nghiệp làm ăn chụp giật. Họ nhắm vào người lao động nghèo, thiếu việc làm hoặc thu nhập rất thấp ở thôn quê để tung chiêu lôi kéo, thu tiền rồi "đem con bỏ chợ".
Những lời quảng cáo hoa mỹ, những "gương đổi đời" hào nhoáng ở địa phương, những viễn mộng giàu sang trên đất khách… được vẽ ra là hấp lực khó cưỡng, thôi thúc người dân ở nhiều tỉnh - thành quyết định bỏ xứ đi XKLĐ dù không đồng vốn lận lưng, phải vay nợ và chẳng hình dung được sẽ ra sao ngày sau.
Khi đã lạc bước, họ dễ sa chân vào những đường dây đưa người đi XKLĐ lậu hoặc buôn người. Những đường dây này hoạt động xuyên lục địa, vươn vòi về tận Việt Nam. Mảnh đất chúng nhắm đến là những quốc gia giàu có cần người làm, trả công lao động cao nhưng khó nhập cảnh (nhờ vậy mới thu được nhiều tiền). Khi các nạn nhân đã dính lưới rồi thì sống chết mặc bây. Và vụ 39 thi thể nhập cảnh Anh quốc chết cóng trong thùng xe container đông lạnh vừa xảy ra, trong đó có nhiều nạn nhân nghi là người Việt Nam, là trường hợp vô cùng đau xót. Không phải cá biệt, từng xảy ra một số người Việt sang Anh lao động chui theo kiểu này đã bị phát hiện rồi.
Kẽ hở từ con đường visa du lịch, sự thiếu cảnh giác lẫn bất chấp của người trong cuộc và sự lơ là, thiếu vắng năng lực phát hiện và ngăn chặn của các địa phương, ban - ngành hữu quan trung ương chính là những nguồn cơn gây nên thảm nạn này.
Hiện có gần 5 triệu người Việt Nam cư trú tại 103 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu năm 2019 đưa được 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây là lực lượng đem về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước với số liệu tăng dần qua các năm. Nhưng những vùng quê thay da đổi thịt nhờ XKLĐ có vui gì khi tiếng trống đưa tang bi ai cứ gióng lên mỗi lần đón cỗ quan tài lạnh lẽo đưa về từ đất khách!?
Quý An (NLĐO)