(GLO)- Không chỉ là nơi có truyền thống anh hùng trong kháng chiến, ngày nay làng O Grưng (xã Ia Ko, huyện Chư Sê, Gia Lai) còn được biết đến như một điểm sáng trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa cồng chiêng.
Đội cồng chiêng làng O Grưng trong một buổi tập luyện. Ảnh: N.S |
Ông Rmah Ngoan-Trưởng thôn O Grưng-cho biết: Những năm qua, nhờ làm tốt công tác bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc nên làng vẫn còn lưu giữ được 7 bộ cồng chiêng, chiếm hơn 1/3 số bộ cồng chiêng của xã. Đặc biệt, người dân nơi đây luôn ý thức rằng cồng chiêng không đơn thuần là một loại nhạc khí cụ mà nó còn là món ăn tinh thần, là một phần của không gian văn hóa mang đậm bản sắc của Tây Nguyên đại ngàn. Chính vì thế, để bảo tồn, gìn giữ văn hóa cồng chiêng, làng đã và đang duy trì 2 đội cồng chiêng. Đó là đội chiêng người cao tuổi và đội thanh-thiếu niên với tổng cộng hơn 70 thành viên. Các đội vẫn thường xuyên tập luyện để tham gia các lễ hội và hội thi do tỉnh, huyện tổ chức.
Trò chuyện cùng P.V, nghệ nhân Kpuih Lơm (làng O Grưng) cho hay: “Để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, thông qua các buổi họp dân, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bà con trong làng phải gìn giữ và không được bán cồng chiêng, đồng thời xây dựng đội ngũ kế cận để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Chúng tôi rất vui khi thanh-thiếu niên trong làng hăng hái tham gia đội cồng chiêng. Thời gian qua, chúng tôi luôn cố gắng duy trì luyện tập 1 tuần/lần cho các cháu nhằm truyền dạy những bài chiêng cổ”.
Theo ông Trần Xuân Cảnh-Chủ tịch UBND xã Ia Ko-hiện trên địa bàn xã còn lưu giữ 20 bộ chiêng tại 5 thôn, làng. Để gìn giữ được số lượng cồng chiêng đó, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nỗ lực trong công tác tuyên truyền, tranh thủ những người có uy tín, các nghệ nhân để truyền lại niềm đam mê cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy, tại nhiều hội thi cấp huyện, tỉnh, các đội cồng chiêng của xã Ia Ko luôn được đánh giá cao. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ lấy làng O Grưng làm gương để tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trong xã khơi dậy truyền thống đoàn kết, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, trong đó có văn hóa cồng chiêng”-ông Cảnh nói.
NGỌC SANG