Anh ngồi chỗ tiệm nước mía trước cổng chợ đợi vợ. Phụ nữ đi chợ tốn nhiều thời gian hơn đàn ông. Bình thường đã vậy, huống chi lúc này, đi chợ một lần là để trữ tủ lạnh rồi ăn dần trong nửa tháng. Lúc nãy, anh đã định theo, nhưng vợ nói không cần đâu, anh cứ ngồi ngoài này, khi nào mua xong hết thì em gọi điện thoại kêu anh vô phụ xách đồ là được. Vợ biết tính chồng hay sốt ruột. Với lại anh là người luôn cảm thấy áy náy khi mặc cả với những phụ nữ trông dáng vẻ tảo tần ở cái chợ này.
Giờ thì anh đang ngồi uống nước mía. Trên đầu là cái mũ lưỡi trai Marvel màu đỏ của thằng con trai nhỏ. Chiếc khẩu trang y tế màu xanh vẫn đeo trên mặt, chỉ kéo xuống mỗi khi đưa cái ống hút vào, hút một hơi nước mía rồi thì kéo lên lại. Tiệm vắng khách. Ngoài anh, chỉ thêm một ông như vừa từ đùng tôm mới lên, quần xắn ống thấp ống cao, đang ngồi hút thuốc. Trên đầu ông vẫn đội cái mũ bảo hiểm, khẩu trang vải treo toòng teng bên một vành tai. Một vài người tới mua nước mía mang đi.
Chợt anh thấy phía bên hông chợ, tức từ hướng biển, có một người phụ nữ đẩy chiếc xe lăn đi tới. Trên xe lăn là một người đàn ông. Có lẽ đó là chồng của bà. Cả hai đều đeo khẩu trang y tế bốn lớp màu trắng nhưng để đầu trần. Khi họ đến ở khoảng cách gần, anh thấy người đàn ông bị hói, còn người phụ nữ tóc uốn xoăn nhưng lưa thưa. Bà bận một chiếc váy vải voan hoa nhí nhạt. Thân hình của bà còn gợn đôi nét thanh xuân. Họ dừng lại chỗ xe nước mía. Người phụ nữ mua một ly mang ra cho người đàn ông ngồi xe lăn. Bà nhẹ nhàng tháo khẩu trang ra cho ông. Lúc này, anh thấy gương mặt người đàn ông khá gầy, hai má hõm sâu, râu cằm lởm chởm trắng như cước. Người đàn ông có vẻ như bị tai biến, hai tay cứng quèo, gương mặt ngước lên giật giật. Người phụ nữ khẽ cúi người đưa chiếc ống hút vào miệng người đàn ông. Phải khó khăn lắm ông mới hút được một chút nhưng rồi bỗng ho sặc sụa. Người phụ nữ dường như đã quen với việc này, bà nhẹ nhàng vỗ vào gáy ông, giúp cơn ho dịu xuống. Nhưng lúc này, người đàn ông ra hiệu không muốn uống nữa. Người phụ nữ mang trả ly nước mía còn đầy, thanh toán tiền trong sự ái ngại của cô chủ tiệm, rồi quay ra đẩy chiếc xe lăn đi.
Anh nhìn theo, thấy họ dừng trước một nhà nghỉ. Đó là cái nhà nghỉ khang trang nhất ở thị trấn biển này. Nhà nghỉ sơn toàn một màu trắng. Trước cổng có một giàn hoa giấy nhiều màu đỏ, vàng, tím, trắng. Phối vào nhau. Tuyệt đẹp. Khi họ dừng trước cửa thì từ trong có hai thanh niên trông hoạt bát, khỏe mạnh chạy ra giúp họ.
Chiếc xe lăn vừa khuất vào trong cái cổng rợp hoa giấy thì bất thần gió nổi lên. Gió khá mạnh làm một lớp bụi trắng dưới lòng đường cuộn phất lên trời. Mấy cây dù trước cổng chợ lảo đảo, một vài tấm bảng cạc-tông bay đi, khiến chủ của nó lật đật chạy lượm rồi giằng néo lại chân trụ. Một chiếc ghế nhựa trống ai đó đặt trên vỉa hè bị gió hất xuống lòng đường, rồi thì gió xô chiếc ghế đi, nhìn cứ như một đứa trẻ đang trượt patin nghịch giữa trời nắng. Rồi thì từ trong một căn nhà nào đó, một cô gái trẻ chân trần vụt ra đường, lao theo chiếc ghế, túm lấy nó nhấc lên, tiện thể đưa lên đầu che nắng. Đó là một cô gái đẹp, đầy sức sống. Anh nhìn thấy cô cười khoe hàm răng trắng, với chiếc ghế che nắng trên đầu. Có lẽ khi từ trong nhà lao ra, cô không kịp mang khẩu trang.
Đúng lúc đó thì điện thoại anh đặt trên mặt bàn rung lên. Thấy số của vợ gọi tới, anh biết là cô đã đi chợ xong. Anh đứng lên, gọi trả tiền rồi rảo bước vào trong chợ, không quên sửa lại cái khẩu trang cho kín lỗ mũi.
***
Lần đầu tiên về cái thị trấn nhỏ ven biển này, anh đã thích ngay. Quê anh cũng là một thị trấn nhỏ nằm không xa biển. Nhưng biển quê anh là biển ngang. Gió tạt từ biển vô chướng kinh lắm. Cho nên suốt dọc biển người ta trồng rừng phi lao để chắn gió. Gió thổi qua rừng phi lao rồi mới vào đất liền. Còn ở đây, thị trấn nằm kề bên bờ biển.
Cũng như nhiều người gốc quê ngụ phố, anh thường nghĩ sau này, khi tuổi già sẽ trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng giờ thì anh chưa đến mức già, mà nỗi thèm nhà quê cứ cồn cào gan ruột. Cho nên sau vài lần về đây, anh đã bàn với vợ mua một mảnh vườn, cất cái nhà nho nhỏ, để làm chốn đi về vào những dịp cuối tuần. May mắn cho anh là vợ đồng ý. Còn hai thằng con thì khỏi phải nói, tụi nó vui mừng không sao tả xiết. Từ đó, anh mới phát hiện thêm một bí mật rằng tụi nhỏ khao khát không gian thiên nhiên còn hơn cả người lớn.
Ảnh minh họa: THU HUỲNH |
"Bữa nay sao gió dữ quá!", vợ anh nói, anh lặp lại, và tụi nhỏ cũng công nhận điều đó. Buổi trưa, dọn cơm ra, gió lùa vào nhà hất tung cả dĩa rau sống với xấp bánh tráng. Anh phải lật đật đi rửa lại rau, kêu tụi nhỏ khép bớt cánh cửa. Bữa nay, cả nhà sẽ ăn món cá nục hấp cuốn bánh tráng. Tụi nhỏ cũng giống anh, rất thích món này, chỉ có điều mẹ nó phải làm nhiệm vụ gỡ xương cá suốt bữa ăn.
Buổi chiều, gió đổi hướng nhưng vẫn còn mạnh, ngoài vườn rụng đầy những cành lá khô. Anh đi ra vườn quét lá gom vào một góc, đợi khi nào bớt gió sẽ đốt lửa. Thường thì hai đứa con anh sẽ rất thích trò này. Chúng đơn thuần là thích nghịch với lửa. Còn anh, anh thích ngồi nhìn những sợi khói bay lên trong bóng chiều xuống.
Đã bao buổi chiều trôi qua rồi. Một cái Tết dài dằng dặc trong một mùa xuân vẫn còn thấp thoáng.
Đầu tiên là tin tức tới trong lúc vợ anh đang lướt trên điện thoại. Rồi thì tin tức tràn ngập trên tivi, radio, loa phường, tờ rơi… Những chuyến bay quốc tế, quốc nội tới tấp. Những chuyến xe đò, dòng xe máy nối đuôi nhau nườm nượp. Rồi thì ngưng hết mọi chuyến bay quốc tế. Những chuyến xe liên tỉnh được kiểm soát nghiêm ngặt. Các trạm chốt kiểm soát dịch bệnh được lập ra khắp nơi. Đo thân nhiệt. Đưa vào khu cách ly tập trung. Cách ly tại nhà. Vân vân và vân vân. Đêm nào vợ chồng anh cũng đọc tin tức trước khi ngủ. Hôm nay ở châu Âu có thêm bao nhiêu người tử vong. Ở Việt Nam mình có bao nhiêu người dương tính. Bệnh nhân được viết tắt ký tự là BN và đánh số thứ tự như một ám hiệu. Bất giác anh nghĩ tới hoàn cảnh hậu hiện đại. Trong hoàn cảnh này thì may ra mới có văn chương hậu hiện đại. Nhưng đây đâu phải là lúc nghĩ tới văn chương.
Anh vẫn nhớ cái buổi tối hôm ấy. Anh xách xe máy chạy khắp cả thị trấn mà không tìm đâu ra chỗ bán khẩu trang. Các nhà thuốc đều treo tấm bảng "Không bán khẩu trang" đặt trước cửa. Ở đây toàn dân biển, người ta không có thói quen đeo khẩu trang. Đừng nói là khẩu trang y tế, khẩu trang vải cũng là hàng hiếm. Bí quá, vợ anh nhờ một người bạn thân ở TP HCM lùng tìm mua giùm mấy hộp khẩu trang, rồi tìm cách gửi xuống. Lại một buổi tối. Anh chạy xe máy ra bến xe tìm gặp ông tài xế để nhận một gói đồ mà lòng hồi hộp lo lắng như nhận hàng cấm. Ở đây, không ai giành mua khẩu trang. Nhưng ở TP HCM, Hà Nội người ta chen lấn giành giật. Ở Mỹ thì người ta đục nhau trong siêu thị để giành mua giấy vệ sinh. Cả thế giới điên cuồng, sợ hãi vì con virus tàn độc vô hình.
Khi anh nhận gói đồ, mà thực chất là mấy hộp khẩu trang mang về thì vợ đang ngồi chờ trước cửa nhà. Hai đứa nhỏ đã ngủ say. Vợ kiểm tra mấy hộp khẩu trang rồi cũng đi ngủ. Nhưng anh không thể nào chợp mắt được. Tình cảnh chi mà lạ lùng. Anh mở cửa bước ra ngoài vườn. Bầu trời đêm rợp sao nhấp nháy. Bất chợt anh nhớ tới ngôi nhà của mình ở TP HCM. Ở đó, mỗi đêm mất ngủ, anh thường xuống gian bếp lục tủ lạnh lấy bia ngồi uống một mình. Căn nhà nhỏ, không có sân vườn và thường kín gió. Còn ở đây gió hào phóng thổi tung mọi ngóc ngách. Gió làm bừng lên mùi hương dại trong đêm.
Thiên nhiên vẫn tốt lành trong điêu tàn khốn khổ của con người.
Dường như có một điều gì trong vũ trụ đang mở ra như sóng truyền khi mọi hoạt động của con người tạm thời bị ngừng lại. Anh cứ lơ mơ bước trong gió, cứ tần ngần theo mùi hương, định thốt ra điều gì đó như là sự vỡ lẽ nhưng ngôn lời cứ như bị gió xóa.
***
Họ cùng ngồi chung trên một chuyến xe về TP HCM. Chiếc Limousine chín chỗ nhưng chỉ có sáu người. Bốn người nhà anh với hai vợ chồng kia. Đây chính là cặp vợ chồng mà anh gặp ở chợ. Họ là Việt kiều Đức. Hai vợ chồng với hai cô con gái đang điều hành một chuỗi tiệm nail bên đó. Cách đây hai năm, ông bị tai biến nặng, may mà không chết, giờ đang hồi phục dần. Về TP HCM, họ có một căn hộ chung cư ở quận 4 nhưng chắc rồi sẽ sớm quay lại đây. Cũng như anh, họ thích cái thị trấn biển này. Chỉ khác anh một chút là họ ra đây du lịch rồi bị mắc kẹt lại bởi dịch bệnh. Rất may là cái nhà nghỉ rộng rãi đó, cuối cùng chỉ còn hai vợ chồng họ ở lại, tất cả đều tìm cách về nhà.
Câu chuyện tiếp tục, mặc dù trong xe ai cũng đeo kín khẩu trang, có lẽ trước đó họ đã có cảm tình khi thấy cha con anh phụ gấp xe lăn cho vào cốp xe, rồi dìu ông lên xe.
"Ở đây gió thích quá!", người phụ nữ nói với vợ anh và cũng có thể bà đã từng nói với chồng câu ấy hàng trăm lần rồi.
Ở đây, gió đã làm đổi thay mọi thứ. Anh nhận ra điều đó khi trải qua những ngày dài tự cách ly chống dịch. Cuộc sống rồi sẽ trở lại như bình thường. Nhưng không có nghĩa là sống như cũ. Có những thứ phải thay đổi cho tốt đẹp hơn. Cũng như mỗi bình minh hay dưới bóng tà huy, khi ngước mắt nhìn dãy núi xanh xa, anh chợt nhận ra một điều: vũ trụ chỉ giữ lại những gì làm đẹp cho nó hay ít ra là biết chiêm ngắm vẻ đẹp của nó.
Khi anh còn đang miên man thì xe đã qua trạm thu phí cuối cùng của đường cao tốc. TP HCM của anh chợt hiện ra. Đẹp hơn bao giờ hết.
Theo Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy/NLĐO