Ông Ning-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn O Yố-cho biết: Trước khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, làng O Yố có 2 đường liên xã và đường chính đi qua địa bàn tạo điều kiện cho giao thương phát triển.
Bên cạnh đó, làng đã có các điểm trường, nhà sinh hoạt cộng đồng kiên cố; trình độ dân trí cao hơn so với các làng khác nên công tác tuyên truyền, vận động gặp thuận lợi. “Kết quả, làng đã huy động gần 3 tỷ đồng xây dựng hạ tầng, trong đó, người dân đóng góp 1,04 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn hiến gần 3.000 m2 đất và đóng góp hàng trăm ngày công tham gia dọn vệ sinh để môi trường ngày càng xanh-sạch-đẹp”-ông Ning cho hay.
Chỉ tay về con đường đi qua trước nhà, ông Thưng nói: Con đường này trước đây chỉ rộng 3 m, lầy lội vào mùa mưa. Hiện nay, đường đã được mở rộng 5 m. Hầu hết các tuyến đường của làng đều được đổ bê tông, thảm nhựa nên việc đi lại và giao thương của bà con thuận lợi hơn. Nhờ đó, thu nhập cũng tăng lên”.
Năng suất vườn cà phê của bà Bdi tăng lên nhiều sau khi được vay vốn ưu đãi để đầu tư về phân bón. Ảnh: Nhật Hào |
Bên cạnh tích cực đóng góp cải thiện hạ tầng, người dân cũng đã chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập. Đến nay, làng có 311 ha cây trồng các loại cùng đàn gia súc, gia cầm lên gần 2.600 con.
Đặc biệt, người dân đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua phân bón cho vườn cây với tổng dư nợ đạt hơn 3 tỷ đồng; tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề để chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả hơn. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của làng đạt 47 triệu đồng.
Bà Bdi cho hay: Gia đình tôi có 1 ha cà phê trồng từ trước năm 2010. Trước đây, do không có vốn, vườn cây ít được chăm sóc nên chỉ thu được 1-2 tấn nhân, bán được 30-70 triệu đồng. 2 năm gần đây, được xã giúp vay vốn ưu đãi để mua phân bón, kết hợp tập huấn kỹ thuật nên vườn cà phê được chăm sóc tốt hơn, năng suất đạt gần 4 tấn nhân/ha. Mỗi năm, gia đình thu từ 150 triệu đồng trở lên.
Còn anh Chit thì chia sẻ: “Nhà tôi chỉ có 300 cây cà phê. 2 năm qua, nhờ được vay vốn đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên gia đình thu gần 1 tấn nhân/năm, cao gấp 2 lần so với trước đây”.
Đến nay, tỷ lệ đường trục thôn của thôn O Yố được bê tông, nhựa hóa đạt 100%. Ảnh: Nhật Hào |
Ông Trần Văn Hùng-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Băng: “Đến nay, xã có 2 thôn đạt chuẩn nông thôn mới là O Yố và Châm Prông. Thời gian tới, xã tiếp tục tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị bộ đội, nhà hảo tâm để hỗ trợ 2 làng xây dựng, cải tạo hạ tầng; đồng thời, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tiến bộ kỹ thuật để đầu tư phát triển kinh tế, góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới của xã”.
Thời gian qua, làng O Yố cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và tiến hành xây dựng 4 căn nhà cho người nghèo, 1 điểm trường mầm non, một số phòng học với tổng kinh phí 600 triệu đồng, trong đó, riêng tiền vận động của xã là 500 triệu đồng. Ngoài ra, xã cũng huy động các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn và các đoàn tình nguyện hỗ trợ hơn 740 ngày công giúp người dân làm nhà, tu sửa trường học, làm đường giao thông.
“Hiện nay, làng còn 9 hộ nghèo và 25 hộ cận nghèo. Thời gian tới, làng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tính chủ động, tự giác của người dân trong phát triển sản xuất để từng bước thoát nghèo; đồng thời, đóng góp tích cực cho xây dựng, cải thiện hạ tầng, gìn giữ vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, góp phần duy trì các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”-Bí thư Chi bộ làng O Yố khẳng định.