Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Oceanbank cứ chi lãi ngoài khủng, nhưng PVN không nhận tiền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lời khai của các bị cáo cho biết, họ đã chi số tiền khủng chăm sóc khách hàng, tuy nhiên số tiền đó không ai nhận.

PVN “bắt buộc” phải gửi tiền vào Oceanbank?

Phiên tòa xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) ngày 11/9 kết thúc phần xét hỏi.

Trong quá trình thẩm vấn, cơ quan tiến hành tố tụng liên tục truy vấn các tổng công ty, công ty con ngành dầu khí và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về chi – nhận lãi ngoài. Một vấn đề được các đơn vị này đưa ra là việc gửi tiền thực hiện yêu cầu của PVN.

 

Thẩm phán Trương Việt Toàn
Thẩm phán Trương Việt Toàn



Vấn đề này, ông Đào Thịnh Cường-đại diện cơ quan công tố đặt ra với ông Hoàng Văn Dũng – đại diện của PVN tại phiên tòa.

Công tố viên cho rằng, qua các tài liệu thể hiện giai đoạn 2009-2010, PVN có văn bản “yêu cầu bắt buộc” các tổng công ty, các công ty thành viên gửi tiền và sử dụng các dịch vụ của Oceanbank. Văn bản mà cơ quan công tố có trong tay ghi ngày 22-6-2009, do TGĐ PVN ký. Việc bắt buộc gửi tiền như vậy sẽ cản trở tính độc lập của các thành viên?

Trả lời câu hỏi của công tố viên, ông Hoàng Văn Dũng cho hay, khi PVN trở thành cổ đông chiến lược của Oceanbank, một trong những thỏa thuận hai bên là phải hỗ trợ ngân hàng. “Chúng tôi khẳng định không có văn bản nào ép buộc mà chỉ có tính chất khuyến nghị. Tất cả là theo thỏa thuận giữa hai bên”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, vì không có yếu tố bắt buộc nên quyền tự chủ vẫn thuộc về các công ty, tổng công ty thành viên của PVN.

Tiếp nối phần đối đáp giữa công tố và đại diện PVN, thẩm phán Trương Việt Toàn cho hay, công văn chỉ có tính hướng dẫn, công văn đó có chữ “đề nghị”. Phạm vi phiên tòa không xem xét mà vấn đề này thuộc nội bộ PVN. “Ông nên lưu ý truyền đạt với PVN trứng không bao giờ bỏ cùng một giỏ”, thẩm phán Trương Việt Toàn nhấn mạnh.

Đại diện PVN ngay lập tức xin giải thích, các đơn vị thành viên của tập đoàn phải có giao dịch với 5 tổ chức tín dụng chứ không phải chỉ giao dịch với Oceanbank. Tuy nhiên tòa cho biết, phiên xử không xem xét đúng sai của văn bản đó, nên không cần phải giải thích thêm.

Đồng loạt bác cáo buộc nhận tiền chi lãi ngoài

Trong 3 đơn vị được ngành dầu khí được làm rõ tại phiên tòa thì sự tập trung chủ yếu vào PVN, Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro và Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Trong diễn biến phiên tòa cho thấy, PVN thời điểm cao nhất gửi vào Oceanbank 25.000 tỷ đồng, Vietsovpetro thời điểm cao nhất gửi vào 100 triệu USD và 1000 tỷ đồng. Còn BSR giao dịch tín dụng có thời điểm là 1.150 tỷ đồng.


 

Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền lãi ngoài khủng cho khách vip của Oceanbank
Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền lãi ngoài khủng cho khách vip của Oceanbank



Trong diễn biến lời khai của các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn-cựu TGĐ Oceanbank, Nguyễn Minh Thu – cựu Phó TGĐ Oceanbank, thì họ đã chi lãi ngoài cho cả PVN, và các tổng công ty, công ty con của ngành dầu khí.

Với PVN, Nguyễn Xuân Sơn khai chi lãi ngoài và đầu mối trực tiếp thông qua bị can Ninh Văn Quỳnh – cựu kế toán trưởng PVN. Giai đoạn Sơn làm TGĐ Oceanbank, bị cáo đã chi 30-40 tỷ đồng. Khi trở về PVN, tiền Hà Văn Thắm chuyển hơn 200 tỷ, bị cáo cũng chuyển để chăm sóc PVN thông qua cựu kế toán trưởng.

Với trường hợp của Vietsovpetro, ngoài việc Nguyễn Xuân Sơn trực tiếp chi, thì sau này đến lượt Nguyễn Minh Thu chăm sóc. Tỉ lệ kế toán trưởng 70%, Tổng giám đốc 30%. Theo Nguyễn Minh Thu, tiền chi lãi ngoài được tính tỉ lệ 0,1%/tháng đối với VNĐ, thời điểm căng thẳng nhất của thị trường tín dụng thì tăng lên 0,15%/tháng. Còn ngoại tệ thì tỉ lệ chi lãi ngoài theo tỉ lệ giao động 0,02-0,05%/tháng.

Với BSR, Nguyễn Minh Thu trực tiếp chi khoảng hơn 19 tỷ đồng, cho kế toán trưởng đến TGĐ, Phó TGĐ đến Chủ tịch HĐTV…

Với những khách hàng Víp này, cả Sơn khai rằng, mỗi lần đi vào dịp lễ, tết quà từ 200-300 triệu đồng. Định kỳ 3-4 tháng đến gặp khách hàng và chăm sóc một lần. Với BSR, có thời điểm cao nhất là 1 tỷ đồng.

Những lời khai của các bị cáo tại phiên tòa đều bị khách hàng ngành dầu khí bác cáo buộc. Ninh Văn Quỳnh cho biết chỉ nhận của Nguyễn Xuân Sơn 20 tỷ đồng. Theo lời khai của bị can Quỳnh những lần đưa tiền, cựu TGĐ Oceanbank không bao giờ nói đó là tiền gì, cũng không nói là tiền chi lãi ngoài.

20 tỷ đồng này, bị can sử dụng cho mục đích cá nhân như: mua nhà, ô tô, cho con đi du học… Bị can Quỳnh cho biết đã làm đơn xin trả lại vì đấy là tiền bất hợp pháp.

Lãnh đạo của Vietsovpetro và BSR thì cho rằng, họ không nhận bất kỳ tiền lãi ngoài hay quà cáp của Oceanbank. Riêng, nhóm lãnh đạo của BRS còn đề nghị xử lý bị cáo Nguyễn Minh Thu tội Vu khống.

Quá trình điều tra cho thấy, từ năm 2011- 2014, có hơn 51.400 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền vào Oceanbank và nhận các khoản tiền chi lãi ngoài hợp đồng.

Trong 392 tổ chức nhận công văn yêu cầu giải trình thì có 19 tổ chức khẳng định có nhận lãi ngoài và đã nộp lại tài khoản của cơ quan điều tra số tiền hơn 3 tỷ đồng. Tại tòa, một số công ty thành viên của PVN cũng thừa nhận có nhận lãi ngoài nhưng đó là vai trò cá nhân, còn pháp nhân thì không nhận tiền. Vấn đề này sẽ tiếp tục được cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ để xử lý.

Tổng số tiền mà các cựu lãnh đạo Oceanbank của hội sở chi lãi ngoài hợp đồng được cơ quan tố tụng xác định lên đến 1.576 tỷ đồng.

Việt Đức (VOV)

Có thể bạn quan tâm