Ổn định đời sống cho làng tái định cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài việc đề ra nhiều giải pháp, phương án để ổn định đời sống cho người dân 2 làng Tung, Gút (xã Krong) ở nơi định canh, định cư, chính quyền huyện Kbang đang tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp đường vào khu sản xuất của người dân ở làng cũ để ổn định sản xuất lâu dài.

Niềm vui ở làng tái định cư

Từ trung tâm xã Krong, chỉ chạy xe chừng 2 km đã thấy cổng chào làng Tung, làng Gút với những dãy nhà lợp mái đỏ au. Tiếng nước chảy ầm ào, tiếng cười nói rôm rả vang lên giữa trưa yên ả làm chúng tôi chú ý. Tại bể chứa nước tự chảy của làng đang có hơn chục phụ nữ, già có, trẻ có chân tay còn lấm lem bùn đất. Có lẽ họ vừa đi rẫy về, đang tắm gội dưới làn nước mát.

 

Trẻ em làng Tung và làng Gút (xã Krong, huyện Kbang) sau giờ tan học. Ảnh: Minh Triều
Trẻ em làng Tung và làng Gút (xã Krong, huyện Kbang) sau giờ tan học. Ảnh: Minh Triều

Cách đó không xa, một đám trẻ đang nô đùa dưới bóng cây ổi. Tiếng lá rung động nghe lào xào, tiếng trẻ con la hét phá tan không khí nóng hầm hập của buổi trưa trời đứng bóng. Ngồi trên nhà sàn, ông Bying (làng Tung) đưa mắt nhìn lũ trẻ vui đùa, cười làm lộ hàm răng trống huơ chỉ còn vài chiếc. Chưa hỏi hết câu, ông đã vui vẻ trả lời: “Ở làng mới rất tốt, rất thuận lợi, có điện, nước sạch, có ti vi, có đường, cái gì cũng có hết”.

Đi dọc đường nhựa một khoảng xa, chúng tôi dừng chân trước nhà anh Đinh Uýt (làng Gút). Anh Uýt cho biết, gia đình anh dọn từ làng cũ về đây năm 2014 để thuận tiện cho việc học tập của con. Đứa con trai lớn của anh đang học lớp 1 Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê  Văn Tám, đứa nhỏ 3 tuổi thì học ở điểm trường Mẫu giáo ngay trong làng. Ngoài hơn 3 sào trồng đậu, bắp gần nhà, anh còn có hơn 1,2 ha bời lời đỏ ở làng cũ, cách nhà khoảng 2,5 km. Anh vẫn thường xuyên vào nhà đầm-ngôi nhà của gia đình anh khi chưa chuyển ra nơi ở mới-để chăm sóc lúa, bời lời rồi lại về làng mới. “Đường vào làng cũ rất khó đi lại, nhưng đất ở đó tốt lắm, gia đình mình làm lâu đời rồi nên không bỏ được”-anh Uýt nói.

Trên đường dẫn chúng tôi vào ngôi làng cũ, anh Đinh A Lênh (làng Gút) cho biết, mặc dù đoạn đường ngắn nhưng có nhiều dốc cao trơn trợt, phải vượt qua 2 suối lớn và 4 con suối nhỏ. Mùa mưa nước dâng cao, không đi xe máy được, phải đi bộ qua những chiếc cầu treo bắc qua những con suối lớn, mất hơn nửa giờ đồng hồ. Anh Lênh cho hay: Ở làng mới, một số gia đình không có đất hoặc có ít nên bà con tập trung vào làng cũ sản xuất, sáng đi vào làm rẫy, chiều về tập trung ở làng mới. Nhưng cũng có người làm chưa xong việc phải ở lại nhà đầm 3-4 ngày mới về, con cái đều được học hành ở làng mới.

Tương tự, vợ chồng anh Đinh Thiên-chị Định Thị A Rá cũng mới vào nhà đầm ở làng cũ. Anh vào cho bò ăn cỏ, uống nước, chị A Rá thì phơi măng và chăm sóc 3 sào lúa rẫy. Xong việc, họ lại đèo nhau trên xe máy về làng mới. Anh Thiên cho biết, anh cũng như bà con ở làng mới thường xuyên vào nhà đầm làm rẫy, chưa xong thì ở lại vài hôm rồi về vì con cái của họ đều đi học bán trú.

Ổn định sản xuất lâu dài

 

Huyện có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp đường vào khu sản xuất cũ để người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: M.T
Huyện có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp đường vào khu sản xuất cũ để người dân đi lại thuận lợi hơn. Ảnh: M.T

Theo ông Phạm Xuân Trường-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang, nhiều năm qua, bà con 2 làng định canh định cư Tung, Gút đã ổn định nơi ở mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; việc học tập của các cháu học sinh đạt nhiều kết quả. Từ nguồn vốn định canh định cư, vốn vay Chương trình 167, huyện đã quy hoạch, xây dựng kiên cố 149 ngôi nhà (làng Tung 74 nhà, làng Gút 75 nhà) tạo điều kiện cho người dân chuyển từ làng cũ về đây sinh sống. Hiện có 202 học sinh của 2 làng được tham gia các lớp học bán trú từ lớp 1 đến lớp 9 tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám và Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong. 2 làng đều có điểm trường Mẫu giáo với 98 em nhỏ theo học, tỷ lệ đến lớp đạt 85%.

Ông Trường cho biết, làng Tung và làng Gút có 153 hộ với 782 khẩu, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nương rẫy. Trong đó, có 133 hộ có đất sản xuất tại khu vực làng cũ với tổng diện tích 492 ha. Tuy nhiên, con đường cấp phối dẫn vào khu sản xuất này (chiều dài 2,5 km) hiện đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại và vận chuyển nông sản của người dân.

Vì thế, năm 2014, huyện đã bố trí 50 ha đất sản xuất gần khu định cư của 2 làng, phần diện tích này đã và đang thực hiện theo phương án sản xuất nông lâm kết hợp, mỗi hộ được 0,33 ha. Đến nay, 149 hộ dân của 2 làng đã trồng hơn 18 ha cây bời lời đỏ, 10 ha đậu cô-ve lùn, 3.000 gốc chuối… với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng đầu tư mở rộng kênh mương tưới của công trình thủy lợi Đak Kty, mở rộng diện tích sản xuất lúa từ 3 ha lên 8 ha.

Thông qua nguồn vốn dự án giảm nghèo Tây Nguyên, huyện cũng hỗ trợ người dân xây dựng mô hình trồng lúa nước 2 vụ. Hiện nay, 2 tiểu dự án sinh kế trồng lúa lai đang được người dân triển khai trên diện tích 8 ha này với kinh phí gần 120 triệu đồng (hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc) nhằm tăng năng suất, cải thiện đời sống. Hiện 2 làng Tung, Gút còn được Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh bổ sung thêm diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng 2.100 ha với kinh phí giao khoán 200.000 đồng/ha/ năm; được hỗ trợ 40 triệu đồng/ làng/năm do 2 làng nằm trong vùng đệm của Vườn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang khẳng định: Để tạo điều kiện cho người dân 2 làng phát triển sản xuất, ổn định đời sống và sử dụng hiệu quả phần diện tích gần 500 ha tại khu vực làng cũ, trước mắt, huyện sẽ bố trí nguồn vốn sự nghiệp giao thông thực hiện san gạt, sửa chữa đoạn đường này để người dân đi lại sản xuất và vận chuyển hàng hóa được thuận tiện hơn, về nơi ở mới trong ngày. Về lâu dài, huyện đề nghị tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí để nâng cấp đường vào khu sản xuất cũ với quy mô: chiều dài 2,5 km, kết cấu bê tông xi măng, mặt đường rộng 3 m, kinh phí khoảng 3,5 tỷ đồng… giúp người dân ổn định sản xuất.

 

Ông Võ Văn Phán-Chủ tịch UBND huyện Kbang: “Khi thành lập làng tái định cư mới, huyện đã xác định đất sản xuất vẫn ở làng cũ. Tuy nhiên, do phong tục tập quán sản xuất của người Bahnar là tới mùa vụ thì vào nhà đầm ở, xong vụ mới về. Chúng tôi đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác tuyên truyền, vận động thành lập nhóm thanh niên, phụ nữ, nông dân tham gia mô hình sản xuất hiệu quả từ đó nhân rộng cho người dân trong làng. Đồng thời, huyện đã yêu cầu Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh tăng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho tất cả người dân của 2 làng để nâng cao thu nhập”.

“Nếu làm được tuyến đường này thì những tồn tại lâu nay sẽ được giải quyết, thu nhập của người dân tăng lên. Đặc biệt là tạ ođiề ukiệ ncho bà con sản xuất tại khu vực làng cũ về sinh sống, nghỉ ngơi tại khu vực định cư trong ngày, không làm ảnh hưởng đến công tác định canh định cư, ổn định đời sống và duy trì sĩ số học sinh. Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân xây dựng trụ bê tông, mua lưới rào vườn và tổ chức cải tạo vườn tạp, làm điện chiếu sáng… tạo điều kiện cho đời sống, tinh thần của người dân được cải thiện”- ông Trường khẳng định.

Nhóm phóng viên

Có thể bạn quan tâm