Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Ông Lê Bạch Hồng, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam lĩnh 6 năm tù

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều 25-9, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) 6 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng bị tuyên ở tội danh trên, 2 bị cáo Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam) và Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính của BHXH Việt Nam) cùng lĩnh 14 năm tù; bị cáo Trần Tiến Vỹ và Hoàng Hà (đều là nguyên nhân viên BHXH Việt Nam) lần lượt lĩnh 3 năm và 7 năm tù.
Riêng bị cáo Trần Thanh Thủy (chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam) lĩnh 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
 
Các bị cáo tại phiên tòa. 
Về dân sự, tòa buộc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) phải bồi thường cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hơn 860 tỷ đồng. Số tiền còn lại hơn 835 tỷ đồng, các bị cáo phải bồi thường cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Trong đó, xác định bị cáo Lê Bạch Hồng bồi thường hơn 150 tỷ đồng, Nguyễn Huy Ban bồi thường hơn 292 tỷ đồng. Các bị cáo còn lại bồi thường tổng số tiền hơn 390 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, Công ty Cho thuê Tài chính II (Công ty ALC II) thuộc Agribank là một doanh nghiệp nhà nước, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có điều lệ và hoạt động riêng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính với vốn điều lệ 350 tỷ đồng.
Quá trình điều tra xác định, cuối năm 2003, ông Lê Văn Sở, Tổng Giám đốc Agribank và ông Nguyễn Huy Ban (thời điểm đó là Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thỏa thuận hợp tác với nội dung: “BHXH Việt Nam đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp I và các công ty thuộc Agribank vay vốn. Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay…”.
Theo quy định, Công ty ALC II là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chỉ được nhận tiền có kỳ hạn từ 1 năm trở lên của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hành Nhà nước. Pháp luật không cho phép Công ty ALC II vay vốn của BHXH Việt Nam và cũng không cho phép BHXH Việt Nam cho Công ty ALC II vay vốn.
Tuy nhiên, các bị cáo là lãnh đạo BHXH Việt Nam từ tháng 4-2008 đến tháng 8-2009 đã ký 14 hợp đồng cho Công ty ALC II từ Quỹ BHXH với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 12-2018, tính lãi chi tiết của các hợp đồng vay vốn, tính đến khi Công ty ALC II bị phá sản (31-7-2018), Công ty ALC II mới thanh toán cho BHXH Việt Nam một phần tiền gốc và lãi, còn nợ lại gần 1.700 tỷ đồng. 
Sau vụ việc, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã tiến hành giám định. Theo kết quả giám định, đã xác định “BHXH Việt Nam đầu tư sai nguyên tắc từ đối tượng đầu tư… Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Huy Ban, là người trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay tổng số tiền 630 tỷ đồng; ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng, với số tiền 380 tỷ đồng.
Gia Khánh (SGGP Online)

Có thể bạn quan tâm