Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Ông Tất Thành Cang dính đến sai phạm mới ở Công ty Tân Thuận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Tất Thành Cang đã chấp thuận cho Công ty Tân Thuận tăng tỷ lệ vốn điều lệ và bổ sung tiêu chí khi cổ phần hóa, trái với chỉ đạo của Thủ tướng và quyết định của UBND TP.HCM.
Thanh tra TP.HCM vừa ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác cổ phần hóa, thực hiện đầu tư dự án, góp vốn liên doanh của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (Công ty IPC) và các doanh nghiệp có vốn góp của công ty này.
Trong đó, Thanh tra TP xác định việc cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp Sài Gòn (Công ty IPD - 100% vốn Nhà nước thuộc sở hữu của Công ty IPC) có nhiều sai phạm. Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa doanh nghiệp và xây dựng tiêu chí nhà đầu tư chiến lược, ông Tất Thành Cang, khi đó giữ chức Phó chủ tịch UBND TP đã có ý kiến chấp thuận trái quy định.
Làm trái chỉ đạo Thủ tướng
Năm 2012, Thủ tướng phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước của TP.HCM, trong đó Công ty IPD thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.
Ngày 15/6/2016, Tổng giám đốc Công ty IPD đề xuất 2 phương án tỷ lệ vốn Nhà nước sau cổ phần hóa là 49% và 36% theo chỉ đạo của Thủ tướng. Nhưng ba tháng sau, ông Tề Trí Dũng, Tổng giám đốc IPC lại đề xuất UBND TP tỷ lệ góp vốn của Nhà nước tại Công ty IPD sau cổ phần hóa tăng lên 65%.
Ông Tất Thành Cang chấp thuận việc tăng tỷ lệ vốn điều lệ và bổ sung tiêu chí khi cổ phần hóa Công ty IPD.
Ông Tất Thành Cang chấp thuận việc tăng tỷ lệ vốn điều lệ và bổ sung tiêu chí khi cổ phần hóa Công ty IPD.
“Việc tăng tỷ lệ vốn điều lệ để Công ty IPC có quyền chi phối các quyết định về chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh”, lãnh đạo Công ty IPD nêu lý do. Đề xuất này được ông Tất Thành Cang chấp thuận sau đó.
Đến cuối tháng 11/2015, Công ty IPC tiếp tục có văn bản đề xuất nâng tỷ lệ vốn góp Nhà nước tạm thời lên 75% và được UBND TP chấp thuận.
Theo kết luận thanh tra, Phó chủ tịch UBND TP chấp thuận tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tạm thời tại Công ty IPD là 65%, sau đó tăng lên 75% là không đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và quyết định của UBND TP.
Để tìm nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hóa Công ty IPD, vào tháng 5/2015, tổ giúp việc đưa ra 7 tiêu chí và nhận được sự thống nhất của ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến ngày 15/9/2015, Công ty IPC chỉ đề xuất UBND TP 6 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược sau khi gộp tiêu chí 3 và 4 thành một.
Đồng thời, Công ty IPC bổ sung thêm tiêu chí: “Cam kết cùng Công ty IPC - là công ty mẹ của Công ty IPD phát triển chuỗi dịch vụ cảng - logistic trong toàn hệ thống Công ty IPC, bao gồm khu cảng IPD Cát Lái, khu cảng container Trung tâm Sài Gòn và dự án cảng hạ lưu Hiệp Phước do Công ty IPC làm chủ đầu tư”.
Chỉ 2 ngày sau, Phó chủ tịch UBND TP Tất Thành Cang ký duyệt chấp thuận bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do lãnh đạo Công ty IPC đề xuất.
Thanh tra TP xác định việc Công ty IPC bổ sung thêm tiêu chí khi trình UBND TP là thực hiện chưa đúng trình tự theo quy định tại điểm b, khoản 3, điều 6 Nghị định 59 năm 2011 của Chính phủ và quy trình cổ phần hóa của thành phố.
“Trách nhiệm chính thuộc về Tổng giám đốc Công ty IPC Tề Trí Dũng và Phó chủ tịch UBND TP”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty IPD, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp kiểm tra việc xác định 75% tỷ lệ vốn góp Nhà nước khi cổ phần hóa doanh nghiệp được ông Tất Thành Cang chấp thuận, trong trường hợp không đúng thì đề xuất biện pháp xử lý.
Đáng chú ý, cơ quan thanh tra kiến nghị thành phố giao Thanh tra TP phối hợp với Công an TP chuyển hồ sơ tài liệu sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra và xử lý theo quy định đối với các vụ việc có dấu hiệu sai phạm gây bất lợi và thiệt hại cho vốn Nhà nước do Công ty IPC làm đại diện chủ sở hữu, có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản Nhà nước, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.
Mất quyền kiểm soát cảng Cát Lái
Sau cổ phần hóa, Công ty IPD đổi tên thành Công ty cổ phần Tiếp vận Đông Sài Gòn (gọi tắt là Công ty ESL) với vốn vốn điều lệ 652 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 489 tỷ đồng (chiếm 75% vốn điều lệ).
Theo kế hoạch sau cổ phần hóa, Công ty ESL sẽ đầu tư xây dựng, khai thác cảng Cát Lái. Thế nhưng, công ty này lại ký hợp đồng góp vốn thành lập pháp nhân mới là Công ty cổ phần Cát Lái - Đông Sài Gòn, trong đó Công ty ESL chỉ góp vốn 20% vốn điều lệ của pháp nhân mới. Với tỷ lệ vốn góp ít ỏi, Công ty ESL không còn quyền chi phối, quyết định việc kinh doanh, khai thác cảng như mục tiêu cổ phần hóa ban đầu.
Cảng Cát Lái. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Cảng Cát Lái. Ảnh: Báo Tiền Phong.
Chưa kể, dự án Cảng Khu công nghiệp Cát Lái thực hiện chậm so với dự kiến. Dù được chấp thuận đầu tư từ năm 2002 nhưng đến nay mới hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Công ty ESL đang làm việc với UBND quận 2 để xác nhận, bổ sung hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính và ký hợp đồng thuê đất Nhà nước.
Thanh tra nhận định Công ty ESL không đủ nguồn lực, khả năng và kinh nghiệm tự thực hiện để đảm bảo khai thác cảng biển hiệu quả nên phải liên kết, hợp tác với nhiều đối tác khác.
Sau cổ phần hóa, Công ty ESL đã thực hiện không đúng phương án cổ phần hóa được duyệt, có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, phục vụ cho nhóm lợi ích trong việc thu gom các dự án cảng biển quốc gia có tầm quan trọng về chiến lược, địa lý, kinh tế và an ninh quốc phòng.
Từ những sai phạm, khuyết điểm nêu trên, Thanh tra TP kiến nghị Chủ tịch UBND TP giao Hội đồng thành viên Công ty IPC tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức, người đại diện vốn có liên quan trong việc cổ phần hóa tại Công ty ESL và một số công ty liên kết. Đồng thời, Công ty IPC chấn chỉnh công tác quản lý tài sản, tài chính, quản lý mặt bằng đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.
 
Nguyên An (zing)

Có thể bạn quan tâm