Những mảng chạm khắc quý giá, cột gỗ đã bị hạ xuống ngổn ngang rồi cột đình sau đó được thay bằng bê tông. Đó là số phận của ngôi đình 300 tuổi ở Lương Xá (Hà Nội), một di sản chưa xếp hạng.
Đình Lương Xá vẫn còn nguyên vẹn cách đây 2 năm Ảnh: Nguyễn Hoài Nam |
Đình quý chỉ còn trong nuối tiếc
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, đã rất bức xúc khi tới ngôi đình Lương Xá (xã Liên Bạt, H.Ứng Hòa, Hà Nội). Cách đây 2 năm, ông Nam cũng từng qua đây để chụp ảnh, lưu lại các tư liệu về các mảng chạm gỗ quý của đình. Thế mà giờ đây, khi ông quay lại, tất cả chỉ còn là đống ngổn ngang. “Một ngôi đình cổ 300 tuổi vẫn có thể đứng vững thêm 300 năm nữa nếu không bị phá bỏ để thay thế bằng ngôi đình bê tông cốt thép. Toàn bộ cấu kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng đang bị biến thành củi đun, bán đồng nát”, ông Nam nói.
Theo ông Nam, dựa vào tư liệu khảo sát trước đây, đình Lương Xá là ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đình có những mảng chạm đẹp đến mức hoàn toàn xứng đáng xếp hạng di tích quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chưa hề có một danh hiệu nào. “Có lẽ đình Lương Xá có cùng tốp thợ với tốp thợ làm đình Hoàng Xá vì phong cách chạm của hai đình khá giống nhau. Chúng cũng chỉ cách nhau khoảng 1km thôi. Trong khi đình Hoàng Xá xếp hạng di tích quốc gia từ 1962 thì đình này lại chưa được xếp hạng gì cả. Tất nhiên, đình này không đẹp và toàn vẹn bằng đình Hoàng Xá nhưng nó cũng rất đẹp. Giá trị của nó nằm ở giá trị lịch sử và hệ thống cánh gà (chạm gỗ) và các cấu kiện gỗ khác. Chúng còn nguyên vẹn từ thời Lê, cuối thế kỷ 17”, ông Nam cho hay.
Những cấu kiện gỗ bị mưa dầm Ảnh: Nguyễn Hoài Nam |
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt, cho biết tư liệu mỹ thuật cho thấy đây là ngôi đình có giá trị. Ở huyện Ứng Hòa có 2-3 ngôi đình như thế này. “Đặc biệt, đình làm ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Hình thức các chạm khắc cánh gà của đình giờ rất hiếm, chỉ còn rất ít đình có nghệ thuật chạm cánh gà đẹp như ở đây. Chạm khắc ở đây thú vị từ kỹ thuật đến đề tài. Ví dụ, có những hình con mèo ngoạm ăn con cá trên một cái đấu. Đó là cái rất hiếm hoi trong tạo hình điêu khắc đình làng. Và cách đây 2 năm nó hầu như còn nguyên vẹn”, ông Bình chia sẻ.
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết đình có tên trong danh sách kiểm kê di tích. Thủ đô cũng đã có văn bản phân cấp quản lý giao cho huyện, huyện giao cho xã quản lý rồi. “Đã trong danh mục thì cũng vẫn phải xin phép, phải báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khi tu bổ. Tuy nhiên, họ chưa báo cáo. Quan điểm của Sở là sẽ làm nghiêm khắc việc này, yêu cầu kiểm điểm và có hình thức kỷ luật với cán bộ địa phương”, ông Tiến nói.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho biết nếu đình đã được kiểm kê rồi, muốn sửa phải xin phép địa phương. Việc đã xảy ra rồi thì chỉ có thể xử lý tình huống thôi. “Nếu bộ phận nào có giá trị thì có thể gắn lại trên khung kiến trúc cũ thì tốt, còn không được thì mang mảng chạm về Bảo tàng Hà Nội thôi”, ông Bài nói. Tuy nhiên, theo ông Bình, khả năng gắn lại rất thấp vì nó phải gắn trên một tổng thể gỗ chứ không phải xi măng.
Khung cột gỗ đã bị thay bằng bê tông Ảnh: Nguyễn Hoài Nam |
Sửa luật, lấp khoảng trống di sản không danh hiệu
Ông Nam cho rằng các di tích không xếp hạng thì dễ bị coi thường, không được quản nghiêm. Và khi những người dân địa phương quá muốn có một di tích mới, thì "tính mạng" di tích xưa trở nên quá nguy hiểm. Vì thế, ông cho rằng vẫn cần có một cơ quan chuyên môn nào đó trông nom loại di tích này. Chẳng hạn, một số di tích ở Hải Phòng đã được giao cho Bảo tàng Hải Phòng quản lý.
Nguy cơ với các di sản không xếp hạng trên thực tế đã nhiều lần làm đau đầu các chuyên gia. Chẳng hạn, cầu Long Biên (Hà Nội) từng đối mặt với nguy cơ bị phá khi chưa được vào danh sách các công trình kiến trúc trước 1954 cần được bảo tồn. Thương xá TAX (TP.HCM) chỉ còn có thể giữ lại được một số thành phần kiến trúc. Một phần của trường Châu Văn Liêm, công trình kiến trúc quý thời Pháp, cũng đã bị đập đi xây mới. Bia Quốc học Huế vì không có danh hiệu nên đã được sửa chữa đơn giản như một công trình xây dựng chứ không phải trùng tu. Vì thế, bia không còn toàn bộ nội dung bằng chữ ở bản gốc.
PGS-TS Đặng Văn Bài cho rằng cần phải nghiêm túc làm kiểm kê di sản thường xuyên. Bản thân các danh sách kiểm kê này cũng cần được cập nhật liên tục. Trên thực tế, có nhiều di tích có thể bị “bỏ sót” mà chưa kịp làm hồ sơ danh hiệu. “Kiểm kê này cũng thường xuyên phải bổ sung chứ không phải làm một lần xong thì thôi đâu. Mình liên tục làm”, ông Bài nói.
Bên cạnh đó, sau khi kiểm kê, nghiên cứu thấy di sản quý thì sẽ phải tính đến việc không để di sản đó trong tình trạng không danh hiệu. “Nếu di sản quý thì có hai trường hợp. Trường hợp, nó thuộc sở hữu công cộng thì Nhà nước phải can thiệp, yêu cầu địa phương phải làm hồ sơ xếp hạng. Còn nếu sở hữu tư nhân thì phải thuyết phục người ta, cho người ta cơ chế để bảo tồn tốt hơn. Hiện nay, hồ sơ di sản là trình từ địa phương lên. Trong luật cần có điều chỉnh để có thể làm hồ sơ cho những di tích xứng đáng. Thậm chí, có những di sản, di tích có thể có quy định Cục Di sản có thể chỉ định phải làm hồ sơ. Nếu không, có thể địa phương sẽ chây ì”, ông Bài nói thêm.
Trinh Nguyên (Thanhnien)