Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Phá rừng ở khu du lịch sinh thái Măng Đen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu Du lịch Sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai”. Tại đây những cánh rừng ôn đới đa dạng, trù phú hiện đang bị người dân đốn hạ để lấy gỗ và lấy đất làm nương rẫy.

Dọc theo quốc lộ 24 và tỉnh lộ 676 vào các thôn Tu Ma, Tu Rằng xã Măng Cành, vị trí cách trung tâm huyện Kon Plông khoảng chừng hơn 6 km. Ngay hai bên đường dễ dàng phát hiện những khoảng rừng bị người dân chặt hạ theo kiểu “da báo” (mỗi chỗ một khoảng) để lấy đất làm nương rẫy. Có khoảng đã được đốt dọn để trồng mì, có khoảng mới chặt xuống nhưng chưa kịp dọn sạch để xuống giống gieo trồng.
 

Một khoảng rừng lớn bị người dân chặt hạ để trồng mì. Ảnh: Nam Hoàng
Một khoảng rừng lớn bị người dân chặt hạ để trồng mì. Ảnh: Nam Hoàng

Tại vị trí km số 8, cách tỉnh lộ 676 vài bước chân, một khoảng rừng lớn với diện tích hàng ngàn mét vuông vừa mới bị người dân chặt hạ. Những cây mì được gieo trồng đã cao vài gang tay. Những gốc, thân, cành cây lớn có đường kính từ 10 cm đến 60 cm bị đốt cháy dang dở chưa kịp cháy hết nằm ngổn ngang. Phía đối diện bên kia đường, một khoảng rừng cả ngàn mét vuông cũng bị người dân đốn hạ. Những gốc lớn cũng có đường kính từ 20 cm đến 60 cm bị đốt cháy dang dở, cạnh đó những thân cây dài hàng chục mét cũng bị cháy dở nằm la liệt.

Cách đó một đoạn không xa, một khoảng rừng lớn cũng vừa bị chặt hạ. Đứng từ đỉnh đồi phóng tầm mắt nhìn xuống cơ man là những cây gỗ lớn bị đốt cháy nằm ngã rạp. Tại khoảng rừng này, cây mì cũng đã được lên cao được vài gang tay.

 

Một gốc cây gỗ lớn mới chị chặt hạ còn rỉ mủ tươi. Ảnh: Nam Hoàng
Một gốc cây gỗ lớn mới chị chặt hạ còn rỉ mủ tươi. Ảnh: Nam Hoàng

Đầu giờ chiều một ngày giữa tháng 6, chúng tôi luồn theo những tuyến đường xương cá dọc theo hai bên đường vào sâu trong rừng. Tại một địa điểm cách tỉnh lộ 676 gần 200 mét. Một khoảng rừng có nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ chỉ còn trơ lại gốc. Trong đó một cây gỗ lớn đường kính khoảng 50 cm mới bị đốn ngã bằng cưa xăng đang chảy nhựa, lá cây vẫn còn nguyên màu xanh chưa kịp lấy đi. Mặc dù là giữa ban ngày, nhưng tại vị trí này vẫn nghe rõ mồn một tiếng cưa máy rền vang cả một khoảng rừng.

Theo một đường xương cá khác đi sâu vào rừng, cách tỉnh lộ 676, vị trí km số 6 khoảng hơn 500 mét dẫn sâu vào rừng. Tại đây 3 cây gỗ đường kính từ 50 cm đến 60 cm đã được khai khác chỉ còn trơ lại gốc, bìa. Dẫn vào tuyến đường xương cá này dấu xe ô tô chở gỗ còn rất rõ. Người dẫn đường chúng tôi cho biết, vết xe còn rất mới chắc mới chỉ đi được khoảng 2-3 ngày. “Tất cả các tuyến đường xương cá đều dễ dàng tìm thấy những gốc cây mới bị chặt hạ hoặc đã khai thác lâu ngày”-người dẫn đường chúng tôi khẳng định.

 

Tuyến đường xương cá luồn sâu vào trong rừng. Ảnh: Nam Hoàng
Tuyến đường xương cá luồn sâu vào trong rừng. Ảnh: Nam Hoàng

Ông Nguyễn Văn Lân-Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, các trường hợp người dân phá rừng làm nương rẫy, huyện đã ra quyết định xử phạt. Riêng đối với việc khai thác gỗ trái phép trong các tuyến đường xương cá sẽ cho kiểm tra, xử lý nghiêm vì hiện tại vẫn chưa nghe báo cáo từ lực lượng kiểm lâm. “Rừng Kon Plông là một trong số rừng có hệ động-thực vật đa dạng, phong phú rất quý nên chúng tôi tìm mọi cách để giữ rừng”-ông Lân nói. Theo ông Nguyễn Văn Lân, trong thời gian sắp tới UBND huyện sẽ kiên quyết thu hồi đất khoảng 100 ha đất đối với những hộ dân cố tình phá rừng làm nương rẫy dọc theo tuyến quốc lộ 24. Sau đó tiến hành trồng thông để tạo cảnh quan, thu hút khách du lịch đến với Măng Đen.

Nam Hoàng

Có thể bạn quan tâm