Việc “cát tặc” hoành hành, khai thác cát trái phép diễn ra ở nước ta trong nhiều năm nay vẫn luôn là một vấn đề lớn và gây khó khăn cho việc giải quyết triệt để. Đã có nhiều biện pháp cũng như sự can thiệp của các cơ quan chức năng để ngăn chặn tình trạng này nhưng đều chưa thật sự hiệu quả. Điều này dẫn đến những tình trạng đáng báo động về cả an ninh, trật tự và gây nguy hiểm đến sự an toàn của người dân, buộc nhà nước phải vào cuộc mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn.
Nạn “cát tặc” ngày càng diễn biến phức tạp
Nạn “cát tặc” tồn tại trong nhiều năm liền, không còn là vấn đề nhỏ, cần sự can thiệp nghiêm khắc hơn của nhà nước
Không là câu chuyện của một tỉnh, thành phố, một khu vực nào, nạn “cát tặc” diễn ra trong nhiều năm nay ở khắp cả nước và ngày càng được tiến hành một cách quy mô, rầm rộ, thậm chí hết sức tinh vi. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ khai thác, kinh doanh cát trái phép, phát hiện tình trạng này trên 14 tỉnh, thành, tịch thu gần 4.700m3 cát đồng thời con số xử phạt đã hơn 12 tỷ đồng.
Những con số này không ngừng tăng qua các năm và ngày càng mang những diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, những biện pháp được đưa ra và những xử lý của cơ quan chức năng hiện có vẫn chưa đủ để giải quyết triệt để vấn nạn này khi lực lượng ở từng địa phương còn khá mỏng và yếu. Trước tình hình trên, việc can thiệp của các cơ quan nhà nước một cách quyết liệt và mạnh mẽ hơn là hết sức cần thiết.
Sau khi nhận thấy vấn đề, đã có những chỉ thị từ Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đến các bộ, ngành và các địa phương. Đặc biệt, ngoài bổ sung chế tài xử phạt hành vi khai thác, vận chuyển tiêu thụ cát, sỏi trái phép, Phó thủ tướng còn nhấn mạnh việc xử lý người đứng đầu ở địa phương để không tồn tình trạng dung túng cho những hành vi này được tiếp diễn.
Cần có sự vào cuộc nghiêm khắc của nhà nước để chống nạn “cát tặc”
Đã đến lúc phải có cái nhìn nghiêm khắc hơn đối với tình trạng “cát tặc” đang hoành hành
Nói đến những ảnh hưởng xấu và thiệt hại mà nạn “cát tặc” gây ra, người dân là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc khai thác và kinh doanh cát, sỏi, đá trái phép không chỉ gây rối loạn cho an ninh, trật tự ở địa phương mà còn kéo theo những vấn đề lớn khác như ô nhiễm môi trường, sạt lở gây nguy hiểm đến cả tính mạng của người dân.
Tuy nhiên, bởi vì những vấn nạn về việc khai thác và kinh doanh cát trái phép vẫn diễn ra hằng ngày và ngày càng khó để kiểm soát, nhiều người, thậm chí những cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương cho rằng chỉ có thể đưa ra những biện pháp cầm cự, hạn chế ở mức được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
Điều này dẫn đến việc những tay “cát tặc” ngày càng lộng hành, kéo theo cả sự không minh bạch trong xử lý của các cán bộ địa phương. Như tất cả các vấn nạn khác đang tồn tại hiện nay, nếu như không triệt để sẽ không mang lại hiệu quả.
Hiện tại, dù không quá sớm nhưng những can thiệp mới nhất của nhà nước cho thấy những cái nhìn và hành động nghiêm khắc, quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng “cát tặc” này. Đây là một dấu hiệu đáng mừng thể hiện sự sát cánh của nhà nước tạo sức mạnh, không để cho người dân đơn thương độc mã trong cuộc chiến này. Cùng với đó, việc can thiệp của nhiều cấp cùng với sự quan tâm của báo chí đưa vấn đề thành vấn đề chung, chắc chắn sẽ mang lại được kết quả tốt cho quá trình đấu tranh này.
Hữu Long (Pháp luật Việt Nam)