(GLO)- “Bất kỳ các bạn ở đâu, các bạn đều thấy như tôi đang bên các bạn. Và con cháu trong gia đình tôi, mỗi khi bước chân đến Gia Lai, như đang trở về với quê hương cách mạng. Mỗi bước chân đi đều cảm thấy nóng bỏng. Đó là tình cảm của ba từ lòng đất trở về, theo dõi từng bước đi của các con”-trong di chúc, ba tôi-ông Phạm Hồng-nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai-đã viết như thế.
Ông Phạm Hồng (giữa) và người thân tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: N.H |
Ba tôi từ giã cõi trần đến nay đã gần 1 năm. Ông ra đi mang theo cả một trời thương tiếc với những vòng hoa tiễn biệt từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, từ các cơ quan, ban ngành của tỉnh, của các huyện, từ những bạn bè, người thân khi còn công tác, lúc đã nghỉ hưu. Họ thức suốt đêm bên linh cữu ông cùng chúng tôi và tiễn ông đến tận cuối con đường. Tôi không biết diễn đạt thế nào để tỏ cho hết lòng biết ơn của gia đình chúng tôi về tình đất, tình người Gia Lai. Ba tôi ra đi thật ấm lòng!
Ba tôi hoạt động ở Gia Lai từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ xâm lược cho đến ngày cách mạng toàn thắng và xây dựng đất nước. Ông không đi tập kết mà ở lại với rừng núi Tây Nguyên (thường được gọi là B “trụ”). Khi đó, đối với ông, chỗ ở là rừng, tăng võng là nhà, gia tài sự nghiệp là cái gùi mang sau lưng. Ba tôi “trụ” được là nhờ có tình thương và sự che chở của dân làng. Người Bahnar đặt tên cho ông là Bá Kroong. Họ chỉ dẫn cho ông mặc áo “ló”, nói tiếng Bahnar. Ở huyện Kông Chro, ba tôi có hẳn một gia đình, có cha và có những đứa con. Già Suýt (làng Krông Hra, xã Kông Yang) đã làm lễ cúng Yàng cho 4 cháu ngoại là bé Pyech và 3 người chị là Uyn, Ur, Pyak làm con nuôi ba tôi. Pyech cùng trang lứa chúng tôi. Bạn ấy quấn quýt bên ba tôi, mang cho ông khi bó rau, lúc quả cà. Bạn ấy ngủ lại rừng với ba tôi. Ba tôi nói cũng nhờ đó mà ông vợi bớt nỗi nhớ vợ con đang ở miền Bắc.
Ông Đinh Tiêk-nguyên Bí thư Huyện ủy Kông Chro-liên lạc viên của ba tôi những năm gian khó, cũng là người rất thân cận. Ba tôi kể, mỗi khi ra rừng chuyển tin, ông Tiêk thường dùng tay tách các bụi rậm tìm đường. Ba tôi hỏi: “Sao không dùng rựa phạt cây?” thì ông Đinh Tiêk nói: “Sợ để lại dấu vết, địch phát hiện được”. Đó là một kinh nghiệm quý đối với ba tôi khi hoạt động ở rừng. Vì thế, sau này mỗi khi có dịp ghé thăm Gia Lai, chúng tôi đều đưa ba tôi đến thăm các gia đình ân nhân của ông, cùng ngồi quanh ghè rượu cần, hát những bài ca Tây Nguyên, ca ngợi Anh hùng Núp và ôn lại kỷ niệm xưa. Con cháu chúng tôi cũng trở nên thân quen với nhau trong đại gia đình đó.
Theo di nguyện của ba tôi, sau khi ông mất, chúng tôi đã đem tro của ông về với Tây Nguyên và rải trên miền đất Kông Chro, tại chính nơi mà ngày 24-10-1958, ba tôi cùng 14 du kích tổ chức trận đánh diệt ác ôn. Điều đáng khâm phục là tiếng súng “vượt rào” đó diễn ra trước khi có Nghị quyết 15 của Trung ương (vào cuối năm 1959) với mục tiêu chuyển cách mạng miền Nam từ đấu tranh chính trị sang chính trị kết hợp vũ trang. Ba tôi nói đó là ý Đảng lòng dân. Trận đánh đã vực dậy lòng tin của dân vào cán bộ và giữ vững phong trào cách mạng nơi buôn làng. Hiện trong “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai” và “Lịch sử Đảng bộ huyện Kông Chro giai đoạn 1945-2013” vẫn còn ghi lại trận đánh này. Ông Đinh Hjot (xã Kông Yang), người du kích năm xưa, mỗi khi gặp ba tôi đều nghẹn ngào: “Tao thương Bá Kroong quá! Ngày Bá Kroong chết biết tao có gặp được không? Để tao khóc, tao cười với Bá Kroong hôm nay”.
Thủ tục buổi lễ rải tro của ba tôi được Huyện ủy, UBND huyện Kông Chro tổ chức rất trang trọng và cảm động. Tối hôm trước, di ảnh, bàn thờ, nhang đèn, hương hoa viếng ông đã được đặt tại hội trường UBND huyện. Bà con xã Kông Yang tiễn biệt ông theo nghi thức địa phương, rất thỏa ước nguyện của ông. Sinh thời, ba tôi cũng hình dung về một tang lễ như vậy: “Cúng heo, rượu cần, dân làng nhảy múa, đánh cồng chiêng”. Trong di chúc, ba tôi đã viết: “Bất kỳ các bạn ở đâu, các bạn đều thấy như tôi đang bên các bạn. Và con cháu trong gia đình tôi, mỗi khi bước chân đến Gia Lai, như đang trở về với quê hương cách mạng. Mỗi bước chân đi đều cảm thấy nóng bỏng. Đó là tình cảm của ba từ lòng đất trở về, theo dõi từng bước đi của các con”.
Ảnh: N.H |
Dù nghỉ hưu ở TP. Hồ Chí Minh nhưng ba tôi luôn nhớ về Gia Lai. Ông theo dõi tin tức hàng ngày từ Báo Gia Lai. Gia Lai cũng không quên ông. Những dịp lễ Tết, những khi phải vào bệnh viện, ông đều nhận được quà và những lời thăm hỏi từ Gia Lai. Ông luôn trăn trở với cái nghèo, với sự thiếu thốn con chữ của đồng bào Tây Nguyên và dự định khi mất sẽ lập một quỹ học bổng cho trẻ em của tỉnh nhà. Nhưng rồi ông lại hành động mạnh mẽ hơn, tự thực hiện di nguyện của mình ngay khi còn sống. Tháng 7-2007, ông lập Quỹ Học bổng “Gia đình Phạm Hồng” và trao cuốn sổ tiết kiệm 200 triệu đồng (trị giá 10 lượng vàng) cho Chủ tịch UBND huyện để lấy lãi hàng năm trao học bổng cho học sinh hiếu học huyện Kông Chro nhân dịp khai giảng năm học mới. 10 năm qua, hơn 300 em nhỏ đã được nhận 175 triệu đồng học bổng, nhiều em trong số đó đã trưởng thành.
Ba tôi là vậy, luôn vì dân. Cứ đến đầu tháng 10, sau lễ khai giảng, ông lại hỏi: “Chủ tịch UBND huyện Kông Chro đã gửi danh sách trẻ nhận học bổng chưa con? Năm nay có được nhiều không?”. Sau khi ông mất, toàn bộ số tiền 254 triệu đồng phúng viếng cũng được gia đình chúng tôi gửi tiếp vào Quỹ Học bổng “Gia đình Phạm Hồng”, nâng quỹ này lên 454 triệu đồng. Tôi thầm nghĩ, nơi suối vàng, ba tôi cũng chỉ mong có vậy: Sẽ có thêm nhiều trẻ em Gia Lai hiếu học được hỗ trợ để góp phần xây dựng Tây Nguyên ngày càng giàu mạnh...
Phạm Thị Ngọc Hoa