Phạm Thị Nhâm Anh: Giảng viên trẻ tâm huyết với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Là giảng viên trẻ, trước học viên tuổi đời lớn hơn mình, trình độ học vấn cao, chuyên môn nghiệp vụ đa dạng, kinh nghiệm công tác ở nhiều lĩnh vực… đòi hỏi tôi không ngừng phấn đấu, rèn luyện và cả giữ mình qua từng lời ăn tiếng nói đến mỗi hành vi. Được sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, tôi có thêm điều kiện phát huy năng lực, sở trường, từ đó gặt hái được những thành quả nhất định”-chị Phạm Thị Nhâm Anh-giảng viên Trường Chính trị tỉnh tâm sự.
Được tiếp nhận vào trường năm 2011, Phạm Thị Nhâm Anh trở thành giảng viên tập sự Khoa Nhà nước và Pháp luật. Sau 12 tháng thử việc, chị chính thức được phân công giảng dạy, phân môn Quản lý nhà nước chương trình trung cấp lý luận chính trị-hành chính.
Từ những buổi đầu tiên đứng lớp, cô giáo trẻ Nhâm Anh gây sự chú ý đối với học viên bởi gương mặt ưa nhìn, vóc người thanh mảnh, chất giọng trong sáng, rõ ràng. Không chỉ thế, chị càng thuyết phục người học qua phong cách tự tin, kiến thức chắc chắn được truyền tải bằng phương pháp linh hoạt, sử dụng thành thạo phương tiện dạy học hiện đại.
Chị chia sẻ: “Tôi luôn chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, cập nhật kiến thức mới, bổ sung thực tiễn làm phong phú nội dung bài. Kết quả hàng năm luôn đạt và vượt định mức giờ giảng dạy, đảm bảo chất lượng; chấm, trả bài, dự giờ, thao giảng, đi nghiên cứu thực tế đúng thời gian quy định, đạt chất lượng cao”.
Với sự nỗ lực phấn đấu trong mọi lĩnh vực, năm 2014, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cũng trong năm này, chị đã đạt giải tại kỳ thi giảng viên giỏi do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức. Quãng thời gian ngắn tiếp sau, chị quyết tâm hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, bồi dưỡng phương pháp dạy học tích cực; tốt nghiệp chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị và bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp thạc sĩ Hành chính công với ngôi vị đầu bảng.
Từ năm 2015 đến 2019, chị được nhà trường phân công giảng dạy chương trình bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, bồi dưỡng chức danh dành cho đội ngũ cán bộ cấp xã; tham gia và hoàn thành nhiệm vụ được giao trong kỳ thi tuyển dụng công chức của tỉnh, tuyển dụng công chức khối Đảng năm 2017, 2018; thi nâng ngạch công chức khối hành chính, khối Đảng năm 2018, 2019…
Giảng viên Phạm Thị Nhâm Anh. Ảnh: Đ.P
Giảng viên Phạm Thị Nhâm Anh. Ảnh: Đ.P
Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là yêu cầu bắt buộc đối với giảng viên các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Vốn là một học sinh giỏi văn, được đào tạo chuyên môn sâu, đức tính cần cù chịu khó, giảng viên trẻ Phạm Thị Nhâm Anh là tác giả nhiều bài viết đăng trên nội san Thông tin lý luận thực tiễn, kỷ yếu hội thảo khoa học cấp trường; hội thảo khoa học cụm thi đua các Trường Chính trị tỉnh khu vực Tây Nguyên; hội thảo khoa học cấp tỉnh; hội thảo khoa học của chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020; trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong tỉnh và trung ương… với nội dung xây dựng hệ thống chính trị, chính quyền địa phương, xây dựng nông thôn mới; các vấn đề liên quan đến kinh tế, chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng, địa bàn Tây Nguyên nói chung. Bên cạnh đó, chị là thành viên nhóm biên soạn tài liệu phục vụ học tập nghiên cứu, các bài nghiên cứu khoa học được biên tập thành kỷ yếu khoa học dành cho học viên, giảng viên đã được áp dụng trong giảng dạy, nghiên cứu, làm tài liệu tham khảo cho các cá nhân quan tâm.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh-nhận xét: “Giảng viên trẻ Phạm Thị Nhâm Anh làm việc gì cũng hết mình, là tấm gương để đồng nghiệp trẻ noi theo. Từ năm 2015 đến 2020, chị được Chủ tịch UBND tỉnh và Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen. Những danh hiệu, phần thưởng mà chị đạt được trong thời gian qua không chỉ là nguồn động viên, khích lệ với riêng chị mà còn là động lực để đội ngũ viên chức, người lao động nhà trường phấn đấu”. 
ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm