Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Phan Thiết và TP.HCM rung rinh do dư chấn động đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
* Động đất 4,7 độ richter ngoài khơi Phan Thiết
PGS.TS Nguyễn Hồng Phương- phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu)- cho biết vào 8 giờ 55 phút hôm nay (23-6), một trận động đất có cường độ 4,7 độ richter đã xảy ra ở ngoài khơi vùng biển Phan Thiết và gây chấn động cấp 4 tới TP.HCM.
PGS.TS Phương cho biết vị trí xảy ra động đất có tọa độ 10,5 vĩ độ Bắc, 109 độ kinh đông ngoài khơi vùng biển Phan Thiết.
Do động đất xảy ra ngoài biển xa và có cường độ 4,7 độ richter là cấp độ trung bình nên không gây thiệt hại trên đất liền và không tạo ra sóng thần.
Tâm chấn động đất 4,7 độ richter sáng nay nằm ngoài khơi Phan Thiết
Tâm chấn động đất 4,7 độ richter sáng nay nằm ngoài khơi Phan Thiết
Phan Thiết và TP.HCM: Cao ốc rung lắc
Tại Phan Thiết, khi xảy ra động đất, một số người dân ở khu vực gần văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận (P.Phú Trinh, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) cho biết họ cảm nhận được nhà ở rung rinh trong khoảng 3- 4 giây.
Một cán bộ của báo Bình Thuận cho biết: “Khi tôi đang ngồi trên tầng một của tòa soạn báo Bình Thuận thì thấy phòng rung rinh. Tôi liền chạy ra ban công thì thấy một vài người ở tầng trệt của tòa soạn cũng chạy ra hành lang và la lên: Động đất rồi! Tôi cũng nghe từ văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận có tiếng la: Dư chấn rồi!".
Khoảng 5 phút sau thì mọi người quay trở lại làm việc bình thường. 
Tại TP.HCM có cảm nhận được chấn động mạnh cấp 4. Một nhân viên đang làm việc tại tầng 5 cao ốc tòa soạn báo Tuổi Trẻ (Phường 9, Quận Phú Nhuận) kể: "Tôi đang làm việc thì cảm thấy nền rung rinh và chao đảo trong vài giây, tôi tưởng mình bị chóng mặt. Nhưng trấn tĩnh lại thì vẫn thấy nền rung rinh và chao đảo. Tôi biết là có dư chấn động đất rồi".
Khoảng 9 giờ 30 phút, một số người đang làm việc tại cao ốc CENTEC Tower (số 72-74 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP.HCM) cho biết có cảm nhận được sự rung lắc nhẹ.
Anh Nguyễn Thanh Quang- công tác tại công ty cổ phần đầu tư địa ốc Hưng Phú (lầu 7 của cao ốc CENTEC) kể: “Lúc 9 giờ 30 phút, tôi đang ngồi làm việc trên ghế thì có cảm giác chao đảo, chóng mặt trong khoảng 3 giây. Tôi tưởng có ai đang giật mạnh ghế từ phía sau nhưng khi quay lại thì tôi không thấy ai. Tôi bước ra khỏi phòng thì nghe có nhiều người hô hoán động đất”.
Sau đó, anh Quang trao đổi với vài người trong công ty và họ cho biết cũng có cảm giác chao đảo giống anh.
Một nhân viên kế toán của công ty còn cho biết thêm đồng hồ treo tường bị lệch sau khi văn phòng rung lắc nhẹ.
Chị Bùi Thanh Giang- công tác tại công ty Technip (tầng 3 cao ốc CENTEC) cũng có cảm giác chao đảo như anh Nguyễn Thanh Quang. Chị Thanh Giang cho rằng dư chấn kéo dài khoảng 4- 5 giây. Một số người đang làm việc ở tầng 3 cũng có cảm giác như chị Thanh Giang.
Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang cập nhật các số liệu cũng như theo dõi các diễn biến tiếp theo.
Đứt gãy kinh tuyến 109
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương- phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu), ở phía Nam nước ta các trận động đất thường xảy ra ở thềm lục địa đông nam tại vị trí đứt gãy khá sâu thường được gọi là hệ thống đứt gãy kinh tuyến 109.
Trận động đất sáng nay xảy ra tại hệ thống đứt gãy này. Đây là hệ thống đứt gãy chạy dọc bờ biển miền Trung và kéo xuống phía Nam, hơi lái sang phía Tây Nam. Tại đây từng xảy ra nhiều trận động đất cỡ trung bình. Cụ thể năm 2005 đã có hai trận động đất xảy ra ở dải đứt gãy này có cường độ 5,1 và 5,5 độ richter. Tiếp đó vào các năm sau cũng xảy ra những trận động đất yếu hơn.
Theo các nhận định khoa học, trên dải đứt gãy kinh tuyến 109 có khả năng xảy ra động đất có cường độ lớn nhất là cấp 7. Tuy nhiên, do các trận động đất thường xảy ra ngoài biển nên ở các thành phố lớn khi bị ảnh hưởng bởi chấn động lan truyền thì cấp độ động đất bị suy giảm đi. Vì vậy, nếu trường hợp xảy ra động đất lớn thì ở TP.HCM có thể xảy ra chấn động cấp 4, cấp 5 và tối đa là cấp 6.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, thực tế đến nay chưa ghi nhận được trận động đất nào có cường độ lớn nhất xảy ra trên đứt gãy này. Trường hợp động đất xảy ra gần bờ hơn thì chấn động đối với đất liền lớn hơn nên cũng khó đoán trước được điều gì xảy ra. Nếu xảy ra động đất ở cấp 7 và gần bờ thì vẫn có khả năng xảy ra sóng thần ở ven biển.
Theo Tuoitre

Có thể bạn quan tâm