TN - Đất & Người

Phân tích pháp lý vụ tài xế taxi 'chui' xịt hơi cay vào mặt khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xảy ra cãi vã do thỏa thuận chi phí chuyến xe, tài xế taxi "chui" đã dùng bình hơi cay xịt vào mặt khách.

Mới đây, phản ánh đến cơ quan chức năng, ông T. (59 tuổi, ở phường 4, TP Đà Lạt) cho biết rạng sáng 16-11 ông cùng hai người bạn từ Hà Nội vào du lịch đến ăn ở quán ốc và nhờ chủ quán gọi taxi.

Ô tô taxi hoạt động "chui" được sử dụng.

Không lâu sau, ô tô gắn phù hiệu taxi biển số Bình Dương đến đón ba người họ về khách sạn trên đường Ngô Thì Sỹ. Đến nơi, nhóm hành khách và tài xế nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã do thỏa thuận chi phí chuyến xe. Nam tài xế đã lấy bình hơi cay xịt vào mặt ông T. và người bạn đi cùng khiến họ phải nhập viện cấp cứu.

Qua xác minh của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, taxi này không có trong dữ liệu được cấp phép kinh doanh tại địa phương và khẳng định phương tiện hoạt động chui.

Đến nay Công an TP Đà Lạt xác định tài xế taxi là anh N.Đ.N (29 tuổi, ngụ phường 5, TP Đà Lạt) và đã mời tài xế làm việc, củng cố hồ sơ vụ việc.

Một số bạn đọc thắc mắc với cách hành xử trên thì tài xế taxi "chui" phải chịu trách nhiệm chịu trước pháp luật như thế nào? .

Luật sư Phùng Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, nhìn nhận cách hành xử của tài xế taxi là không thể chấp nhận!

Theo điểm b khoản 11 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định bình hơi cay là công cụ hỗ trợ và theo điều 5 của Luật này thì cá nhân không được sử dụng bình hơi cay mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Hành vi của tài xế taxi có thể bị xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật theo quy định tại điểm h khoản 3 và điểm a khoản 7 điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Trường hợp trước đây tài xế taxi từng bị xử lý hành chính hoặc kết án chưa được xóa án tích về hành vi sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ theo điều 306 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Bên cạnh đó, phía nạn nhân có quyền yêu cầu tài xế taxi phải chi trả chi phí cấp cứu, nằm viện, điều trị, chăm sóc,… theo quy định tại điều 590 Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với hành vi hoạt động chui taxi, quy định tại điểm a khoản 7 điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung Nghị định số 123/2021/NĐ-CP thì hành vi lái xe taxi "chui", tức là không có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô hoặc không tham gia đơn vị kinh doanh có Giấy phép thì tài xế taxi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 12 triệu đồng.

Theo Đông Hoa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm