Kinh tế

Nông nghiệp

Phạt các cơ sở sản xuất phân bón giả hơn 60 tỷ đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Qua 9 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý Thị trường đã kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện 1.434 vụ vi phạm và xử phạt hành chính các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng với số tiền là 60,57 tỷ đồng.

9 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý Thị trường đã phát hiện 1.434 vụ vi phạm và xử phạt hành chính các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng với số tiền là 60,57 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
9 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý Thị trường đã phát hiện 1.434 vụ vi phạm và xử phạt hành chính các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng với số tiền là 60,57 tỷ đồng (Ảnh minh họa)


Đồng thời, tịch thu, tiêu hủy gần 100 tấn phân bón nhập lậu, phân bón giả, quá hạn sử dụng, giả mạo nhãn hiệu; buộc tái chế hơn 100 tấn phân bón kém chất lượng.

Theo Bộ Công thương, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng làm giả phân bón rất tinh vi và chuyên nghiệp. Chẳng hạn, các đối tượng mua phân bón của các công ty có uy tín rồi pha trộn với phân bón kém chất lượng, sau đó đóng gói vào bao bì bán cho các đại lý, cửa hàng với mức giá thấp hơn vài trăm ngàn đồng/bao loại 50 kg để thu lợi bất chính.

Nhiều cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lợi dụng lòng tin, nhận thức của nông dân còn hạn chế để tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm, áp dụng khuyến mại, bán trước trả tiền sau cho các cửa hàng nhỏ lẻ ở vùng nông thôn.

Địa điểm sản xuất, sang chiết, đóng gói, dán nhãn mác phân bón thường liên tục thay đổi và được thuê tại các nơi xa xôi, vắng vẻ, đi lại khó khăn để dễ dàng trốn tránh trách nhiệm và gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh phân bón

Thời gian qua, Bộ Công thương thường xuyên cập nhật và đăng trên Cổng thông tin của Bộ danh sách các doanh nghiệp được cấp giấy phép sản xuất, gia công phân bón vô cơ; danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phân bón đã công bố hợp quy; thông tin về các tổ chức thử nghiệm, chứng nhận, giám định phân bón vô cơ,…

Bộ cũng đã có văn bản đề nghị các sở công thương rà soát, thống kê danh sách, số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn, đôn đốc các cơ sở sản xuất bảo đảm điều kiện sản xuất và lập hồ sơ đề nghị cấp phép sản xuất. Thông tin, số liệu về các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn đã được các sở báo cáo về Bộ khá cụ thể, làm cơ sở cho công tác quản lý phân bón được hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nhằm điều chỉnh những quy định còn hạn chế trong quản lý phân bón thời gian qua. Dự kiến trình Chính phủ trong năm 2016.

Theo chinhphu.vn

Có thể bạn quan tâm