Phóng sự - Ký sự

Phân bón thuốc bảo vệ thực vật giả: "Lỗ hổng" trong quản lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc phân cấp quản lý và cấp phép sản xuất phân bón được giao cho 2 đơn vị, cùng với đó các quy định về xử phạt vi phạm chưa nghiêm khắc, còn nhiều kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng. Nông dân vẫn thấp thỏm lo âu khi sử dụng các sản phẩm để chăm sóc và phòng bệnh cho cây trồng.

Thiếu trách nhiệm trong quản lý


Theo quy định, việc quản lý các loại phân bón vô cơ do Bộ Công thương đảm trách còn phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT. Chính vì phân cấp quản lý và cấp phép không có sự thống nhất nên đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp “chạy” giấy phép để sản xuất phân bón. Vì vậy, thị trường phân bón trở nên rối loạn, dễ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, mạnh ai người ấy kiểm tra, cấp phép.

 

  Khi mua thuốc BVTV nông dân cần được tư vấn về cách sử dụng.  Ảnh: V.H
Khi mua thuốc BVTV nông dân cần được tư vấn về cách sử dụng. Ảnh: V.H

Trên địa bàn Gia Lai cũng vậy, việc quản lý phân bón vô cơ do Sở Công thương quản lý, Sở Nông nghiệp và PTNT đảm nhận quản lý phân bón hữu cơ và các loại phân bón khác. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành thanh tra 25 cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), tiến hành xử phạt các cơ sở vi phạm hơn 42 triệu đồng. Lỗi thường thấy là: vi phạm về nhãn mác hàng hóa, hàng quá hạn sử dụng...
 

Theo kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Điều đó có nghĩa là nông dân cứ bón 100 kg phân urê hoặc NPK vào đất thì chỉ có 45-50 kg được cây trồng hấp thụ, số còn lại bị rửa trôi, gây ô nhiễm đất, nước. Số liệu của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trung bình mỗi năm, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không đúng cách trên cả nước đã gây lãng phí hơn 2 tỷ USD.

Nói về những khó khăn trong công tác quản lý phân bón và thuốc BVTV, ông Vũ Mạnh Hùng-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho biết: Việc phân cấp quản lý phân bón như hiện nay gây nên tình trạng chồng chéo, tạo kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng. Trên thực tế, trong một thời điểm có 2 đoàn kiểm tra cùng làm việc, gây hiểu nhầm và khó khăn cho cơ sở kinh doanh (vì mỗi đoàn kiểm tra một loại phân bón được giao quản lý). Hiện nay, Sở Công thương quản lý về phân bón vô cơ nhưng không có kỹ sư nông nghiệp nên sẽ không hiểu rõ về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng sinh trưởng phát triển của cây trồng khi bón phân nên khó quản lý và kiểm tra.

"Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh khi thành lập các đoàn kiểm tra nên giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Sở Công thương để thuận lợi cho công tác thanh tra, kiểm tra và quản lý các loại phân bón"- ông Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Tại tuyến huyện có các Trạm Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật và Trạm Khuyến nông nhưng chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không có chức năng kiểm tra. Khi phát hiện phân bón và thuốc BVTV kém chất lượng, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành.

Để tiến hành đánh giá chất lượng phân bón và thuốc BVTV, cơ quan chức năng phải lấy mẫu gửi đi phân tích. Đối với những mẫu phân bón phân tích hàm lượng N, P, K (đạm, lân, kali), các hàm lượng hữu cơ hoặc nguyên tố trung lượng thì chi phí thấp. Tuy nhiên, khi phân tích hàm lượng vi lượng, vi sinh vật, nấm sinh học… thì chi phí rất cao. Các địa phương không đủ ngân sách để thực hiện việc này.

Cần cẩn trọng trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 450 đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp buôn bán phân bón và thuốc BVTV. Nhiều cửa hàng khi tư vấn cho khách hàng đã không thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc BVTV đó là: “Đúng thuốc-đúng liều lượng, nồng độ-đúng lúc-đúng cách” dẫn đến nông dân hiểu nhầm về tác dụng của các loại thuốc.

 

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh nhiều nông dân khi sử dụng thuốc BVTV đã xảy ra hiện tượng cây trồng bị chết, sử dụng phân bón nhưng cây trồng không phát triển. Anh Nguyễn Đình Cường (xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ) bức xúc: “Nhà tôi có 1 ha hồ tiêu. Khi phát hiện bệnh vàng lá, tôi ra cửa hàng gần nhà để mua thuốc về phun, thế nhưng không những không hạn chế bệnh mà tiêu còn chết nhiều hơn. Khi mua thuốc, chúng tôi tin tưởng vào những tác dụng ghi trên bao bì nhưng thực tế thì ngược lại”.

Cùng chung cảnh ngộ với anh Cường, anh Nguyễn Đình Phương (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cho biết: “Thông thường khi cây trồng bị bệnh, chúng tôi đều mua các loại thuốc về để phòng trừ, tuy nhiên hiệu quả không như mong muốn. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc BVTV, chúng tôi không biết lựa chọn loại nào cho phù hợp, chỉ trông chờ ở sự tư vấn của các cửa hàng. Mới đây, vườn tiêu của tôi bị bệnh. Tôi đã mua rất nhiều loại thuốc sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì nhưng tiêu vẫn chết”.

Về vấn đề này, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Gia Lai khuyến cáo: Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc, nông dân phải biết lựa chọn loại thuốc phù hợp và cần được cán bộ kỹ thuật tư vấn khi sử dụng. Để hạn chế tình trạng thuốc BVTV kém chất lượng, ghi sai nhãn mác, thời gian tới, Chi cục sẽ tăng cường công tác thanh-kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị sai phạm.

 Vĩnh Hoàng

Có thể bạn quan tâm