Thời sự - Sự kiện

Phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 13-4, tại huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức lễ phát động phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước từ nay đến năm 2025.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa phải) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung chủ trì lễ phát động tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long (bìa phải) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung chủ trì lễ phát động tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có các đồng chí: Phạm Minh Chính-Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Võ Thị Ánh Xuân-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; Đỗ Văn Chiến-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Cùng dự lễ phát động có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, cơ quan, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể Trung ương; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà tài trợ trong cả nước.

Lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 63 điểm cầu trong cả nước. Chủ trì tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh.

Tại lễ phát động, các đại biểu được xem phóng sự về công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước. Theo đó, xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các cấp, các ngành trong hàng chục năm qua. Tính từ năm 2000 đến 2023, hơn 1,7 triệu căn nhà Đại đoàn kết đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn với tinh thần “Chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau".

Các đại biểu tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua. Ảnh: P.L
Các đại biểu tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai lắng nghe Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động phong trào thi đua. Ảnh: P.L

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính-Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu phát động phong trào thi đua: Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực, đồng thuận của người dân, doanh nghiệp và sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã trở thành một hình mẫu về xóa đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh; luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo, đối tượng yếu thế phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người. Có hàng chục triệu hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn, một số địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả trên có ý nghĩa to lớn, khẳng định ý chí quyết tâm cao của Đảng, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân ta trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo là việc làm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện trách nhiệm và đạo lý "Đền ơn đáp nghĩa” và “thương người như thể thương thân”, góp phần mang lại mái ấm tình thương, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.

Với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2011 đến nay, Ngân sách Nhà nước và xã hội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho 820.000 hộ gia đình người có công, hộ nghèo trong cả nước. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết cho 670.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay, theo rà soát của các bộ, ngành, địa phương, số hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cần hỗ trợ nhà ở là 315.000 hộ. Các địa phương đang nỗ lực triển khai để phấn đấu đến hết năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho 145.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24-1-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày thành Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42 với mục tiêu xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên cả nước từ nay đến hết năm 2025. Với quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, sự chung sức nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phong trào thi đua sẽ nhận được sự hưởng ứng tích cực, có hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân khó khăn về nhà ở.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị và người dân, doanh nghiệp trong cả nước phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, trách nhiệm với cộng đồng xã hội, nhất là với người nghèo. Tập trung thực hiện tốt mục tiêu: Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đến hết năm 2025. Phát huy các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và của toàn dân; phát huy truyền thống văn hóa, tinh hoa tốt đẹp của dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn để có nguồn lực thực hiện thành công mục tiêu đề ra. Bảo đảm các quy định, cơ chế chính sách phù hợp, hiệu quả để thực hiện chương trình; bảo đảm không hình thức, màu mè, công trình phải có chất lượng và đúng đối tượng thụ hưởng; bảo đảm sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Để huy động nguồn lực, cần phải đa dạng hóa nguồn lực, có tính toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách cho các chương trình, đề án hỗ trợ nhà ở cho người dân, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ ngân sách theo kế hoạch đề ra, kêu gọi người dân, doanh nghiệp theo tinh thần “ai có gì góp nấy” tạo ra phong trào vì người nghèo. Đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia, chung tay đóng góp, hưởng ứng phong trào thi đua bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, phát huy hết khả năng, tâm huyết, trách nhiệm, cần chủ động, sáng tạo, linh hoạt chung tay góp sức để tạo phong trào sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, đồng thời triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân có việc làm, sinh kế, không chỉ thoát nghèo mà hướng tới cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.

Quang cảnh lễ phát động tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L
Quang cảnh lễ phát động tại điểm cầu UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: P.L

Tại lễ phát động, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã đọc lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn cả nước. Với thông điệp “Triệu tấm lòng yêu thương-Nghìn mái nhà hạnh phúc”; tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân, các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài chung tay, góp sức, người có của góp của, người có công góp công, có ít góp ít, có nhiều góp nhiều. Mức phấn đấu chung là: cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mỗi người góp ít nhất mỗi năm một ngày lương; công nhân, người lao động mỗi năm giúp ít nhất một ngày thu nhập; đoàn viên, hội viên, thanh niên, thiếu niên tiết kiệm để giúp đỡ ít nhất 50 nghìn đồng; mỗi hộ gia đình có mức sống từ trung bình trở lên ủng hộ ít nhất 100 nghìn đồng.

Ngay tại buổi lễ, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hưởng ứng phong trào thi đua "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn cả nước với tổng kinh phí tiếp nhận ủng hộ là 376 tỷ đồng để xây dựng 7.250 căn nhà cho các hộ khó khăn về nhà ở. Trong đó, các địa phương được hỗ trợ mức 10 tỷ đồng để xây dựng nhà ở, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang.

Có thể bạn quan tâm