Cháu D. nhập viện với triệu chứng ho, khạc ra máu từng đợt đã gần 1 tháng. Tại phòng khám, bệnh nhi được nội soi Tai Mũi Họng kiểm tra phát hiện có dị vật sống ở khí quản.
Con vắt dài 5 cm nằm trong khí quản nạn nhân được các bác sĩ gắp ra/ Ảnh: BVCC |
Sáng 6.3, bác sĩ Võ Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum, cho biết bệnh viện vừa gắp thành công con vắt dài 5 cm trong khí quản của 1 bệnh nhi. Hiện bệnh nhi này vẫn đang được các bác sĩ tại Khoa Tai Mũi Họng theo dõi, chăm sóc.
Theo đó, ngày 3.3, cháu Y.D (13 tuổi, trú tại xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, Kon Tum) nhập viện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum với triệu chứng ho, khạc ra máu từng đợt đã gần 1 tháng. Tại phòng khám chuyên khoa Tai Mũi Họng, cháu D. được nội soi Tai Mũi Họng phát hiện có dị vật sống ở khí quản.
Ngày 4.3, bệnh viện đã tiến hành nội soi thanh khí quản dưới gây mê tĩnh mạch bệnh nhân. Qua quá trình nội soi, các bác sĩ đã gắp ra là 1 con vắt sống dài khoảng 5 cm.
Theo bác sĩ Thanh, khi dị vật là con vắt ký sinh ở mũi, bệnh nhân có biểu hiện chảy máu mũi từng đợt, hắt hơi ngứa mũi cảm giác ngột ngạt ở mũi… trường hợp dị vật chui sâu vào hạ họng, thường vắt sẽ kí sinh ở khí quản. Nếu không được phát hiện, chỉ sau một thời gian ngắn hút máu chúng sẽ lớn rất nhanh và gây ra các triệu chứng về hô hấp, bệnh nhân sẽ có từng cơn ho khạc ra máu và có thể khó thở dễ nhầm với các bệnh phổi khác.
Theo bác sĩ Thanh, thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị vật sống là con vắt chui vào mũi, họng hằng năm và gặp nhiều hơn vào mùa mưa. Với đặc điểm ái khí, ưa mát; vắt thường sống ở khu vực sông, suối, chúng dễ dàng chui vào mũi họng qua đường uống hoặc khi người ta rửa mặt, tắm nước suối, nước giọt (các điểm lấy nước tập trung của người dân tộc).
Bác sĩ Thanh cũng khuyến cáo người dân nên ăn chín uống sôi, không dùng nước sông suối hoặc nước giọt tự nhiên mà chưa qua xử lý vì rất dễ bị đỉa, vắt hoặc các loại ký sinh khác xâm nhập vào cơ thể.
Theo Đức Nhật (Thanh Niên)