Thời sự - Sự kiện

Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 13-9, tại TP. Pleiku, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.

Chủ trì hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung. Hội thảo có sự tham gia của các nhà nghiên cứu đến từ Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành; Ban Dân vận, Ban Tổ chức, Ban Dân tộc, Hội LHPN của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Tỷ lệ cán bộ nữ không ngừng nâng cao

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 19 tỉnh, thành phố. Hai vùng này có đặc trưng địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội khác biệt, nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Đây là những vấn đề cần quan tâm trong thực hiện công tác vận động phụ nữ và các chính sách đặc thù đối với phụ nữ tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên. Trong khu vực này, Đà Nẵng là địa phương đứng đầu về tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy ở cả 3 cấp và cao thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy cơ sở. Các tỉnh: Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đak Nông có tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy tăng cao nhất khu vực lần lượt ở cấp tỉnh, huyện, xã.

Kon Tum, Đak Lak và Gia Lai có tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy là người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất (tính trên tổng số nữ cán bộ tham gia cấp ủy). Trong đó, tỉnh Kon Tum có tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy cấp huyện là người DTTS và tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp xã cao nhất trong khu vực. Quảng Ngãi và Đak Lak có tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội lần lượt xếp thứ nhất và thứ 2 trong khu vực và đứng hạng 2, hạng 3 trong toàn quốc. Trong khi đó, Gia Lai là địa phương có nhiều điểm sáng với tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy 3 cấp đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh của Gia Lai vượt 30% so với chỉ tiêu, đứng thứ 4 trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Đồng chí Hà Thị Nga-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Minh Châu

Đồng chí Hà Thị Nga-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: Minh Châu

Khai mạc hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, công tác phụ nữ đạt được nhiều kết quả, tạo chuyển biến mới cả về chất lượng và số lượng phụ nữ tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống chính trị tại các địa phương. Tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng, được trẻ hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Càng xuống cơ sở thì nữ cán bộ tham gia cấp ủy càng có xu hướng trẻ hóa. Nữ cán bộ tham gia cấp ủy dưới 40 tuổi chiếm hơn 30% trong tổng số cán bộ tham gia cấp ủy dưới 40 tuổi. Tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy là người DTTS khá cao. Nhiều địa phương trong khu vực đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cán bộ nữ, nhất là về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Phát biểu chào mừng tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung thông tin thêm về tình hình công tác cán bộ nữ tại địa phương. Phó Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Tỉnh Gia Lai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhất quán triển khai các giải pháp liên quan đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ vươn lên phát triển toàn diện về mọi mặt. Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh tăng lên qua từng năm. Số lượng đảng viên nữ hiện có hơn 23.500 người, chiếm 36,31% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Gia Lai đã và đang phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, bản sắc, văn hóa con người Gia Lai, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, không ngừng học tập nâng cao trình độ mọi mặt.

Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện công tác phụ nữ

Với 2 phiên thảo luận gồm “Tình hình thực hiện công tác phụ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” và “Công tác cán bộ nữ và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ nữ”, hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.

Về thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù ở địa phương, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị Ngọc Lan-nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác vận động phụ nữ DTTS theo tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên. Bà Lan cho rằng, Hội LHPN với chức năng đại diện, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ phải nhận diện rõ những bất cập mới có giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác vận động cho nhóm đặc thù này. Trong đó, giải pháp nền tảng là đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ DTTS, phụ nữ theo tôn giáo. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời thay đổi cách tiếp cận và đa dạng hóa phương thức vận động, tập hợp phụ nữ DTTS theo tôn giáo. Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội LHPN cơ sở, tranh thủ sự ủng hộ của các chức sắc, hội nhóm tôn giáo cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động đối với nhóm phụ nữ đặc thù.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng quà lưu niệm cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: M.C

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung tặng quà lưu niệm cho Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Ảnh: M.C

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Quảng trường Đại Đoàn Kết và nơi thờ Bác Hồ trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh. Bên lề hội thảo, Hội LHPN tỉnh đã trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng địa phương, sản phẩm của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Trung ương Hội LHPN Việt Nam thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Thuê (phường Hoa Lư) và Rơ Mah Myơr (xã Ia Kênh, TP. Pleiku); trao 50 suất quà cho học sinh nghèo trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Đak Đoa.

Nhóm phụ nữ đặc thù là người DTTS, phụ nữ khuyết tật, đơn thân, cao tuổi, phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ, lao động nữ di cư… Trong đó, nhóm DTTS nói chung và phụ nữ DTTS nói riêng đang nhận được khá nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện về kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Tuy vậy, vẫn còn những rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ DTTS. Trưởng ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận Pi Năng Thị Thủy cho biết: Việc thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn đối mặt với không ít khó khăn dù được Đảng, Nhà nước quan tâm ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó, tình trạng tảo hôn là một trong những rào cản ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái người DTTS. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra 269 trường hợp tảo hôn. Ban Dân tộc tỉnh kiến nghị các cấp cần tập trung thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong khuôn khổ Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2023 để không ai bị bỏ lại phía sau.

Đà Nẵng là địa phương đứng đầu khu vực về tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy ở cả 3 cấp và cao thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ nữ cán bộ tham gia cấp ủy cơ sở. Ông Lê Văn Trung-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng-cho biết: Đây là kết quả minh chứng cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, toàn diện đối với tổ chức, hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ và công tác phụ nữ. Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng cần chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện, định kỳ tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết đánh giá thực tế gắn với khen thưởng, biểu dương những địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW. Bên cạnh đó, chính sách đối với cán bộ, lao động nữ còn nhiều bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Nhà nước để góp phần làm cho công tác phụ nữ có chuyển biến mới.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 4 từ phải sang) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 2 từ phải sang) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng tiêu biểu của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bên lề hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 4 từ phải sang) và Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (thứ 2 từ phải sang) tham quan khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, đặc trưng tiêu biểu của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ bên lề hội thảo. Ảnh: Minh Châu

Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của đại biểu sẽ được Ban tổ chức hội thảo tổng hợp, có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan. Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhắc lại quan điểm của Đảng đã được nêu tại Nghị quyết số 11-NQ/TW: “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy Đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội LHPN Việt Nam”. Theo đó, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị Hội LHPN các tỉnh, thành cần nắm chắc tình hình phụ nữ và các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới trên địa bàn để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát với yêu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, đề nghị Ban Dân vận các Tỉnh ủy, Thành ủy tích cực tham mưu cho cấp ủy địa phương trong việc tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư, đặc biệt là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quan tâm đánh giá đúng tình hình phụ nữ ở địa phương để tham mưu cho cấp ủy trong việc xác định các cơ chế ưu tiên để tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách hiện có về công tác phụ nữ.

Đại biểu dự hội thảo tham quan các sản phẩm OCOP của phụ nữ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu

Đại biểu dự hội thảo tham quan các sản phẩm OCOP của phụ nữ tỉnh Gia Lai. Ảnh: Minh Châu

Ngoài ra, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đề nghị lãnh đạo cấp ủy các tỉnh, thành nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.

Có thể bạn quan tâm