Du lịch

Phát triển du lịch: Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Câu chuyện về phát triển du lịch Gia Lai một lần nữa được mang ra bàn thảo, tìm hướng phát triển sau chuyến khảo sát 4 ngày của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tại các điểm du lịch nổi bật ở tỉnh ta.

Sau chuyến khảo sát các tuyến, điểm: Biển Hồ-“Đôi mắt Pleiku”, chùa cổ Bửu Minh, đồng chè cổ hàng trăm năm tuổi, núi lửa Chư Đăng Ya, chùa Minh Thành, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG, Di tích Chiến thắng Đak Pơ; các điểm đến của thị xã An Khê như Di tích Lịch sử Quốc gia Tây Sơn Thượng đạo, nhà cổ của ông Bùi Meo xây dựng trên 200 năm; Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang), xem trình diễn một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, bắn nỏ, xem biểu diễn cồng chiêng… một lần nữa, những mặt mạnh lẫn yếu của du lịch Gia Lai đã được chỉ ra để tìm đường hướng phát triển phù hợp.

 

Đoàn khảo sát du lịch đến thăm Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Gia Lai. Ảnh: H.N
Đoàn khảo sát du lịch đến thăm Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của Gia Lai. Ảnh: H.N

Bán sự trải nghiệm

Ông Nguyễn Tiến Đạt-Phó Giám đốc Kinh doanh của Saigontourist cho biết đã đến Gia Lai rất nhiều lần để tìm kiếm thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Ông thẳng thắn chỉ ra một số điểm chưa phù hợp: “Gia Lai có tài nguyên du lịch phong phú nhưng có quá ít sản phẩm mang tính khác biệt, độc đáo; hoặc có những sản phẩm đã thành hình nhưng du khách lại rất ít biết tới”. Ông Đạt cũng đặt ra câu hỏi, tại sao hiện nay Gia Lai chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, chưa có công ty du lịch nào độc tuyến về Gia Lai mà chỉ chọn đây là một điểm đến trong tour, tuyến của họ. “Gia Lai đang đứng thứ 3/5 tại Tây Nguyên, sau Lâm Đồng và Đak Lak về du lịch. Dù cạnh tranh thế nào thì Gia Lai cũng khó vượt qua Lâm Đồng nhưng tôi tin sẽ có khả năng vượt qua Đak Lak nếu có chiến lược dài hạn, bền vững, vì Gia Lai có lợi thế phát triển các loại hình du lịch phù hợp với xu hướng hiện nay”-ông Đạt nói.

Từ những hạn chế đó, Phó Giám đốc Kinh doanh của Saigontourist cho biết, xu hướng du lịch toàn cầu luôn thay đổi, biến chuyển không ngừng, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là sự trải nghiệm. Gia Lai phải xác định rõ ràng là bán sự trải nghiệm nào cho du khách. “Theo tôi, Gia Lai có ưu thế ở các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử nên cần khai thác triệt để và nâng tầm các sản phẩm gắn với loại hình này. Chẳng hạn Biển Hồ là điểm nhấn độc đáo, mở đầu cho hành trình khám phá vùng đất này. Nhưng thú thực là lần này đến Biển Hồ, tôi đã mất đi ít nhiều cảm xúc so với những lần trước.

Cảnh quan thay đổi trong khi sự đầu tư vẫn chưa chỉn chu, hoàn thiện. Tỉnh cần tạo cảnh quan sạch, đẹp, ấn tượng hơn. Đặc biệt, cần có những hoạt động bổ trợ như đi bộ quanh Biển Hồ, các môn thể thao phù hợp với địa hình ở đây như đạp xe, leo núi… để khách vừa ngắm toàn cảnh vẻ đẹp “Đôi mắt Pleiku” vừa tham gia các hoạt động thể thao, giải trí. Làm được điều đó, chắc chắn ấn tượng đọng lại sẽ sâu sắc hơn, có vậy sản phẩm này mới đủ sức hấp dẫn, thu hút họ quay lại lần nữa”.

Về tài nguyên văn hóa, ông Đạt cho biết: “Tôi đã đến 5 tỉnh Tây Nguyên, xem nhiều cuộc trình diễn cồng chiêng nhưng cồng chiêng ở Làng kháng chiến Stơr mà đoàn chúng tôi có dịp thưởng thức qua các đợt khảo sát là hấp dẫn nhất, toát ra cái hồn du lịch nhất. Gia Lai nên tập trung để biến ngôi làng gắn liền với tên tuổi người anh hùng của Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch có tầm. Ở đây, ta sẽ bán được câu chuyện về văn hóa Tây Nguyên, câu chuyện về Anh hùng Núp, về ẩm thực địa phương. Phát triển xung quanh nó là loại hình homestay, như thế khách lưu trú có cơ hội trải nghiệm đầy đủ câu chuyện về văn hóa bản địa thông qua chính những chủ thể của văn hóa. Tôi tin rằng, bán sự trải nghiệm này cho du khách sẽ rất có giá trị. Sau những lần “mua” sự trải nghiệm ở vùng đất này, về lâu dài, Gia Lai sẽ còn là điểm đến của ký ức và hoài niệm. Khách du lịch sẽ tìm đến đây để tìm lại cảm xúc cũ, của lần đầu họ đặt chân đến vùng đất này. Đà Lạt bây giờ đã và đang trở thành điểm đến như vậy vì trước đó, họ đã bán được những trải nghiệm cho du khách”.

“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”

Một vấn đề khác của du lịch Gia Lai cũng được đơn vị khai thác du lịch chuyên nghiệp, hàng đầu Việt Nam hiện nay như Saigontourist chỉ ra, đó là sự liên kết để cùng nhau phát triển. Ông Trần Quốc Bảo-phụ trách Khối Du lịch nội địa của Saigontourist, chia sẻ: “Du lịch Đà Nẵng sẽ khó phát triển như hôm nay nếu không liên kết với Huế và Hội An. Tương tự, Ninh Chữ-một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam thuộc vịnh Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) nếu không liên kết với Đà Lạt, Nha Trang sẽ khó trở thành tuyến điểm có giá trị. Nói như vậy để thấy liên kết là vấn đề lớn trong chiến lược phát triển du lịch, bởi “muốn đi xa phải đi cùng nhau”. Vì vậy, Gia Lai cần tăng cường kết nối vùng để tạo thành tuyến, điểm có giá trị trong khai thác du lịch, kết nối với các địa phương trong khu vực Tây Nguyên lẫn các thành phố du lịch biển như Quy Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng để cùng lúc một hành trình sẽ có 3 điểm đến, 4 điểm đến. Sau chuyến khảo sát này, chúng tôi chắc chắn sẽ chào bán sản phẩm mới, khai thác tuyến Pleiku-Kon Tum-Măng Đen. Nếu các địa phương có sự liên kết thì sẽ rộng đường hơn cho các doanh nghiệp du lịch khai thác tour, đưa khách đến với địa phương nhiều hơn”.

Đây cũng là vấn đề được bà Nguyễn Thị Khánh-Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh đặt ra cho du lịch tỉnh ta. “Liên kết ở đây không chỉ về tour, tuyến, mà cần liên kết, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và cụ thể mọi mặt, nhất là giữa Hiệp hội Du lịch của 2 địa phương. Chẳng hạn Gia Lai cần cung cấp cho chúng tôi thông tin về sự kiện gì, vào thời điểm nào trong năm để chúng tôi liên kết với hàng không, làm việc để có mức giá cả phù hợp nhằm kích cầu khách du lịch, để họ lựa chọn Gia Lai, Tây Nguyên làm điểm đến. Kể cả thông tin về các điểm ăn uống, lưu trú, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch… cũng nên rõ ràng, có chủ đề, và gửi kế hoạch sớm để chúng tôi đăng tải trên website của Hiệp hội, gửi đến các doanh nghiệp du lịch để họ có kế hoạch đưa khách đến Gia Lai…”.

Sự hỗ trợ tích cực của Saigontourist đối với ngành du lịch tỉnh ta trong thời gian qua đã góp phần mang lại sự chuyển động theo hướng tích cực trong giải pháp phát triển sản phẩm, thay đổi phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch… Ông Nguyễn Tấn Thành-Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Gia Lai, đánh giá: “Gia Lai hội đủ điều kiện để phát triển các loại hình du lịch, nhưng qua một thời gian dài, vì nhiều lý do, tốc độ phát triển của du lịch địa phương vẫn ở mức khiêm tốn so với các địa phương khác. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp du lịch hàng đầu Việt Nam như Saigontourist đã kết nối kinh nghiệm nghề nghiệp, giúp du lịch Gia Lai đi đúng hướng”.

Theo ông Thành, trong khi địa phương còn đang lúng túng trong xây dựng tour, tuyến, khai thác như thế nào cho hiệu quả, để không bỏ phí tiềm năng… thì những cuộc bàn thảo, tư vấn của Saigontourist cũng như sự giúp đỡ tích cực của Hiệp hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, địa phương đã biết tập trung và bỏ bớt cái gì để ngành công nghiệp không khói có sự bứt phá. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ hành động, gắn trách nhiệm với việc tạo ra thương hiệu cho du lịch địa phương.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm