Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển lâm nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Để phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên rừng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai xác định “Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu” là 1 trong 4 chương trình trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Gia Lai có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn nhất khu vực Tây Nguyên.

Quan tâm trồng rừng và giữ rừng

Gia đình ông Đinh Văn Cao là một trong những hộ đầu tiên của làng Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng.

Ông Cao cho hay: Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng mì và bắp trên đất đồi, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, ông bắt đầu chuyển đổi sang trồng keo lai. Đồng thời, ông liên kết với một số hộ dân trong làng để trồng rừng. Hiện nay, gia đình ông có gần 40 ha keo, trong đó, hơn 20 ha liên kết với người dân trồng rừng.

“Tôi vừa thu hoạch 3 ha keo được hơn 180 tấn gỗ. Với giá bán 1.350 đồng/kg, gia đình thu về gần 250 triệu đồng. Tôi khai thác theo hình thức cuốn chiếu để có thu nhập ổn định hàng năm. Trừ chi phí đầu tư, mỗi héc ta keo đạt lợi nhuận 40-50 triệu đồng/chu kỳ (chu kỳ khai thác kéo dài 5-6 năm), cao hơn nhiều so với trồng mì, lúa rẫy trên đất đồi dốc”-ông Cao chia sẻ.

Lực lượng chức năng huyện Chư Păh tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: L.N

Huyện Đak Pơ hiện quản lý, bảo vệ 21.624,94 ha rừng. Ông Đào Duy Tuấn-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện-cho biết: “Huyện đã triển khai đồng bộ, toàn diện tất cả các mặt từ quản lý, bảo vệ, xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng, chăm sóc rừng trồng đến định hướng khai thác, chế biến lâm sản.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng tăng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân gắn với rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sống gần rừng”.

Cùng với tổ chức trồng rừng, công tác giao khoán bảo vệ rừng cũng được các đơn vị chủ rừng triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn 2021-2024, tổng diện tích giao khoán rừng cho các địa phương là 28.449,8 ha, đạt 21,6% so với kế hoạch đề ra đến năm 2025.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, các đơn vị đã hỗ trợ khoán bảo vệ 70.620,5 ha rừng cho 3.012 hộ dân; hỗ trợ bảo vệ 21.708,6 ha rừng cho 440 hộ dân. Tổng kinh phí đã hỗ trợ trong năm 2022 và 2023 là gần 16,4 tỷ đồng/3.452 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng.

Huyện Krông Pa có diện tích rừng tương đối lớn với 77.572,4 ha. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, huyện đã thực hiện khoán bảo vệ rừng với diện tích hơn 14.151,3 ha (6.567,5 ha giao khoán theo nguồn vốn dịch vụ môi trường rừng; 7.583,8 ha khoán theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025).

Anh Kpă Lưỡi (buôn Ama Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cho hay: Hiện gia đình anh đang nhận khoán quản lý, bảo vệ 16 ha rừng. Ngoài ra, gia đình trồng 1,2 ha bạch đàn và chăn nuôi bò dưới tán rừng. Hàng năm, nguồn thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng giúp gia đình có thêm điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, lo cho con cái ăn học.

Ông Trương Quốc Dụng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa-cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ rừng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả. Nhờ đó, nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện, xử lý kịp thời. Một số vụ việc được phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu nên không gây thiệt hại lớn đến tài nguyên rừng.

Ngoài ra, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thêm thu nhập, tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân gắn với rừng.

Còn ông Vũ Quang Sáng-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Kbang-thông tin: Toàn huyện có hơn 130.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 36.000 ha rừng được giao khoán quản lý, bảo vệ cho các cộng đồng làng, nhóm hộ, cá nhân. Việc giao khoán giúp công tác quản lý, bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị chủ rừng được tốt hơn, hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm rẫy.

Mặt khác, công tác giao khoán còn giúp tăng thu nhập cho người dân địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ rừng. “Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện chưa xảy ra vụ cháy rừng nào. Ngoài ra, các “điểm nóng” về khai thác rừng trái phép cơ bản được xử lý dứt điểm, số vụ vi phạm, tính chất, quy mô, mức độ thiệt hại về lâm sản giảm rõ rệt qua từng năm”-ông Sáng nhấn mạnh.

Hướng đến phát triển lâm nghiệp đa dụng

Toàn tỉnh có khoảng 649.996 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên khoảng 478.687 ha, rừng trồng 156.422 ha và rừng trồng chưa thành rừng khoảng 14.887 ha. Năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt 47,75%, trồng mới 40.000 ha rừng; đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 49,2%, tiếp tục trồng mới và trồng rừng luân canh 40.000 ha.

Tổ nhận khoán bảo vệ rừng và lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly (Chư Păh) phát dọn làm đường ranh cản lửa PCCCR mùa khô. Ảnh: L.N

Trên cơ sở Nghị quyết số 06-NQ/TU, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 899/CTr-UBND ngày 9-5-2022 về phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được hơn 33.105 ha rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,95% (tăng 0,16% so với năm 2021), tỷ lệ che phủ chung (bao gồm cả cây công nghiệp thân gỗ, cây trồng đa mục đích) đạt 47,33% (tăng 0,33% so với năm 2021). Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp năm 2024 đạt 550 tỷ đồng, tăng 37,8% so với năm 2020. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2024 đạt 6,58%.

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, huyện luôn xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về lâm nghiệp để tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phục hồi hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có; phát triển và nâng cao chất lượng hệ thống rừng phòng hộ và đặc dụng; trồng rừng gỗ lớn, khai thác, sử dụng hợp lý; trồng rừng sản xuất đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững gắn với du lịch sinh thái.

Trao đổi với P.V, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Hoan thông tin: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU đã góp phần phát triển rừng trên địa bàn tỉnh theo hướng bền vững, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ tốt môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ và phát triển rừng; góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, đóng góp phúc lợi xã hội.

“Thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm gồm: phát triển nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp và nâng cao giá trị cho ngành chế biến gỗ; phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu; phát triển các hình thức nông-lâm kết hợp; phát triển dịch vụ môi trường rừng; phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đồng thời, tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách trung ương phân bổ cho Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất lâm nghiệp; tạo thêm động lực để người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần khuyến khích hộ nghèo và đồng bào DTTS tham gia bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện sinh kế, giảm áp lực lên rừng”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm