Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển nghề trồng nấm thương phẩm trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nấm là một trong những cây trồng khá thích hợp với điều kiện khí hậu ở Gia Lai, cho giá trị kinh tế cao và hầu như không ảnh hưởng đến môi trường sống. Chính vì vậy, những năm qua, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã “bén duyên” với nghề trồng nấm và không ngừng nhân rộng, phát triển đa dạng các loại nấm thương phẩm.
Nền tảng từ một dự án
Năm 2013, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nấm rơm, nấm sò và nấm mộc nhĩ cho người dân”; thời gian thực hiện trong 2 năm với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng. Mô hình có sự tham gia của 50 hộ dân (15 hộ sản xuất nấm sò, 20 hộ trồng nấm rơm và 15 hộ trồng nấm mộc nhĩ) tại TP. Pleiku và các huyện, thị xã: Đak Pơ, Phú Thiện, An Khê, Ayun Pa với quy mô 5.000 m2 lán trại. Ngoài hỗ trợ 2.000 bịch phôi giống/hộ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ còn đào tạo 5 kỹ thuật viên cơ sở và tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng nấm cho 100 lượt người dân, chú trọng vào các địa bàn trọng điểm cũng như nơi có hộ dân tham gia các mô hình của dự án. Qua đó, các hộ đã nắm bắt được quy trình kỹ thuật từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, bảo quản nấm để áp dụng vào sản xuất.
Ông Trương Xuân Phú-nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Chủ nhiệm dự án-cho hay: “Qua theo dõi, năng suất trung bình của mô hình trồng nấm rơm đạt hơn 1,3 tạ nấm tươi/1 tấn nguyên liệu; nấm sò đạt gần 300 gram tươi/bịch phôi; nấm mộc nhĩ đạt hơn 50 gram khô/bịch phôi. Nhìn chung, năng suất các loại nấm khá ổn định, có thể duy trì và phát triển trên địa bàn tỉnh”.
Dự án của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã giúp nhiều người dân “bén duyên” với nghề trồng nấm. Ảnh: Hồng Thi
Dự án của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ đã giúp nhiều người dân “bén duyên” với nghề trồng nấm. Ảnh: Hồng Thi
Cũng theo ông Phú, thời gian qua, giá cả có lúc xuống thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng nấm. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu của Gia Lai rất thuận lợi nên hiệu quả kinh tế thu được từ nghề trồng nấm vẫn khá tốt, đồng thời người dân cũng đã có kinh nghiệm trong sản xuất loại cây trồng này nên sau khi dự án kết thúc, mô hình vẫn được duy trì. 
Phát triển đa dạng các loại nấm
Nấm ăn là loại thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng, thậm chí một số loại còn chứa các thành phần dược liệu. Sau khi kết thúc dự án trên, nhiều hộ dân trong tỉnh đã phát triển mạnh nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó chủ yếu là nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ và linh chi. Hiện nay, một số hộ dân tham gia mô hình đã đầu tư mở rộng sản xuất với quy mô trang trại, sử dụng các trang-thiết bị khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh được trên thị trường.
 Từ chỗ chỉ có một cơ sở sản xuất nhỏ, hộ ông Phan Ngọc Tuấn (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Hoàng Đức Phát Gia Lai chuyên sản xuất và cung cấp các loại nấm ăn, nấm dược liệu cho thị trường cả nước. Ông Tuấn cho hay, những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông đã tự làm meo, tận dụng mùn cưa cây cao su để sản xuất nấm mộc nhĩ xuất khẩu và nấm sò cung cấp cho thị trường nội địa. Khi ấy, trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông xuất khoảng 6 tấn mộc nhĩ khô đi Đài Loan và vài tạ nấm sò tươi cho địa bàn Gia Lai cùng một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Ngoài ra, ông còn bán từ 800 ngàn đến 1 triệu bịch phôi giống/tháng.
 Ông Phan Ngọc Tuấn đang cấy meo nấm. Ảnh: H.T
Ông Phan Ngọc Tuấn đang cấy meo nấm. Ảnh: H.T
Những năm sau đó, giá nấm giảm mạnh, các thành viên trong gia đình lại thay nhau đổ bệnh nên ông Tuấn đành tạm ngưng trồng nấm trong một thời gian dài. “Năm 2013, khi sức khỏe dần cải thiện, tôi lại trở về với nghề trồng nấm để vực dậy kinh tế gia đình. Đúng lúc ấy, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ triển khai dự án sản xuất nấm thương phẩm, tôi là một trong những hộ được chọn tham gia. Đây là cơ hội để tôi gầy dựng lại cơ sở của mình”-ông Tuấn tâm sự.
Bên cạnh sản xuất các loại nấm thông thường, ông Tuấn còn tự ghép mô để tạo ra các loại nấm mới vừa phù hợp với khí hậu địa phương, vừa có khả năng kháng bệnh và cho năng suất, giá trị dinh dưỡng cao như: mộc nhĩ Đài Gia (ghép giữa nấm mộc nhĩ rừng ở Gia Lai với mộc nhĩ Đài Loan), sò xám (ghép giữa nấm sò trắng miền Nam nước ta với nấm sò đen Nhật Bản) để trồng và cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, ông cũng thành công trong việc trồng các loại nấm quý như: hoàng chi Nhật Bản, linh chi đỏ Hàn Quốc, vân chi Nhật Bản… với giá bán dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg.
Anh Trương Công Hạnh (thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) cũng là một trong những hộ tham gia dự án và đã duy trì mô hình trồng nấm sò suốt 6 năm qua. “Hiện tôi là người duy nhất trồng và cung cấp nấm sò ở Đak Pơ. Tôi thấy trồng nấm không khó và cũng không tốn nhiều công chăm sóc, sau 3 tháng treo phôi là có nấm hái hàng ngày, thu nhập cũng tạm ổn. Tuy nhiên, khí hậu ở Đak Pơ khá nắng nóng, độ ẩm thấp, hầu như nấm trồng chỉ đạt năng suất vào mùa mưa còn mùa khô thì kém. Do đó, tôi chưa dám mạnh dạn mở rộng diện tích trồng dù nhu cầu tiêu thụ tại địa phương khá lớn”-anh Hạnh bày tỏ.
Việc phát triển các loại nấm thương phẩm trên địa bàn tỉnh ta đa dạng là thế, song trên thực tế có khá ít hộ dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất mà phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ. Mặt khác, người trồng nấm chưa có sự liên doanh, liên kết với các đơn vị thu mua, xuất khẩu sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu trong và ngoài nước để phát triển các thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. Đây là một khó khăn cần sớm tháo gỡ nếu muốn đẩy mạnh nghề trồng nấm theo hướng hàng hóa với quy mô lớn trên địa bàn.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm