Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với quyết tâm tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp, huyện Kbang xác định đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, gắn phát triển vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây dược liệu, cây ăn quả và hướng đến xuất khẩu.
Sau gần 10 tháng triển khai mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá chình hoa trong ao đất tại xã Sơ Pai, đàn cá phát triển nhanh, đạt trọng lượng trung bình gần 1 kg/con. Dự kiến đến tháng 9-2023, sản lượng đạt 5 tấn cá thương phẩm (trung bình từ 1,5 đến 2 kg/con).
Ông Phan Đình Hân-cán bộ chăn nuôi thú y, chủ nhiệm dự án (Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kbang) cho hay: Mô hình do Trung tâm phối hợp với Công ty TNHH thương mại Tiến Dũng (thị trấn Kbang) triển khai thực hiện với quy mô 2.000 m2, nuôi khoảng 4.000 con giống. Dự án có tổng kinh phí gần 2,3 tỷ đồng (vốn sự nghiệp khoa học công nghệ của huyện hỗ trợ 647 triệu đồng). Theo ông Hân, thành công bước đầu của mô hình nuôi cá chình hoa trong ao đất đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân xã Sơ Pai.
Ngành Nông nghiệp huyện Kbang đang rà soát, xác định các khu vực trọng điểm phát triển cây ăn quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Minh Phương
Ngành Nông nghiệp huyện Kbang đang rà soát, xác định các khu vực trọng điểm phát triển cây ăn quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Minh Phương
Mô hình “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong nhân giống và xây dựng mô hình trồng lan kim tuyến dưới tán rừng tự nhiên tại huyện Kbang” cũng đang trong giai đoạn đánh giá, nghiệm thu đề tài. Với giá bán 20-22 triệu đồng/kg lan khô; 1,5-2 triệu đồng/kg lan tươi, mô hình hứa hẹn sẽ được nhân rộng giúp đồng bào Bahnar ở xã Đak Rong xóa đói, giảm nghèo khi tham gia liên kết trong thời gian tới. Ngoài ra, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc Bahnar phát triển sản xuất thông qua mô hình trồng dổi, mắc ca; xây dựng, phát huy hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP hướng đến mục tiêu phát triển diện tích cây ăn quả hơn 1.500 ha vào năm 2025.
Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang-cho biết: Một trong những giải pháp trọng tâm của huyện trong thời gian đến là từng bước xây dựng vùng sản xuất cây dược liệu, cây ăn quả chuyên canh, đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ...; khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư trong thực hiện các thủ tục để cấp mã số vùng trồng đối với một số loại cây ăn quả phục vụ xuất khẩu chính ngạch như: nhãn, vải, dưa hấu, xoài, chuối, mít.
Ủy ban nhân dân huyện Kbang tích cực vận động, hỗ trợ người dân trồng mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp bị thu hồi. Ảnh: Minh Phương
Ủy ban nhân dân huyện Kbang tích cực vận động, hỗ trợ người dân trồng mắc ca trên diện tích đất lâm nghiệp bị thu hồi. Ảnh: Minh Phương
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện đang rà soát, xác định các khu vực trọng điểm phát triển cây dược liệu, cây ăn quả tại các xã Sơn Lang, Sơ Pai, Đak Rong, Kông Lơng Khơng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất, đáp ứng quy trình kỹ thuật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dược liệu, trái cây theo quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao. “Hiện trên địa bàn huyện đã có 29,8 ha được cấp chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 9,8 ha rau và 20 ha cây ăn quả. Riêng năm 2022, chúng tôi đang hướng dẫn và cấp chứng nhận thêm 34 ha đối với các loại cây ăn quả như nhãn, ổi, bơ, quýt, sầu riêng tại xã Kông Lơng Khơng”-ông Tình thông tin.
Cũng theo ông Tình, hiện đã có một số doanh nghiệp quan tâm, khảo sát, xin chủ trương và thực hiện các thủ tục đầu tư trồng dược liệu dưới tán rừng. Điều này mở ra hướng phát triển mới để người dân tham gia liên kết sản xuất nhằm tăng thu nhập, cải thiện sinh kế. Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát triển cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, trái cây, hạt mắc ca; đồng thời phấn đấu có ít nhất 2 cơ sở liên kết chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, 2 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và cơ sở chuyên sản xuất các loại giống cây dược liệu, cây ăn quả... sử dụng công nghệ chiết, ghép, nuôi cấy mô đảm bảo chất lượng.
“Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, huyện tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ đảm bảo phục vụ tưới cho cây ăn quả, dược liệu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm tại các khu vực sản xuất phù hợp. Đồng thời, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, hình thành hợp tác xã chuyên sản xuất, kinh doanh cây ăn quả, cây dược liệu, làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây, dược liệu”-ông Tình cho biết thêm.
MINH PHƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm