Kinh tế

Nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Nâng cao giá trị, bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuối tháng 11 vừa qua, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Mục tiêu của đề án là phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững và thân thiện với môi trường sinh thái.

Những kết quả bước đầu

Gia Lai có 837.643 ha đất sản xuất nông nghiệp (401.345 ha đất trồng cây hàng năm và 436.298 ha đất trồng cây lâu năm). Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp hữu cơ bắt đầu được quan tâm triển khai với quy mô nhỏ. Hiện toàn tỉnh có hơn 100 ha đất canh tác hữu cơ được chứng nhận. Tuy diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế nhưng chất lượng sản phẩm ngày càng tăng và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU...

Nhiều nông dân huyện Kbang đầu tư trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Sang

Nhiều nông dân huyện Kbang đầu tư trồng cam Vinh theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Ngọc Sang

Năm 2018, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) được chứng nhận phương pháp sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA), châu Âu (EU) cho các sản phẩm hồ tiêu đen, xanh, đỏ, trắng với diện tích 6,5 ha. Bên cạnh đó, HTX có hơn 20 ha cà phê được chứng nhận hữu cơ.

Ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX-cho biết: Năm 2018, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu tiêu Lệ Chí và được Tổ chức quốc tế Control Union cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn USDA, EU. Hợp tác xã cũng là đơn vị đầu tiên ở Tây Nguyên đạt chứng nhận hữu cơ cho cây hồ tiêu. Các sản phẩm hồ tiêu hữu cơ chế biến sâu của HTX như: tiêu đen, tiêu sọ, tiêu đỏ, tiêu muối một nắng, tiêu xanh, tiêu bột, tiêu ngâm muối... đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu.

“Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững, bảo vệ môi trường và hiệu quả mang lại tăng 30% so với sản xuất bình thường. Chúng tôi muốn xây dựng không chỉ thương hiệu hồ tiêu hữu cơ mà còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác để có thể xuất khẩu, đem lại lợi nhuận cao hơn”-ông Công chia sẻ.

Mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững tại huyện Đak Đoa sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ảnh: L.N

Mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững tại huyện Đak Đoa sản xuất theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ảnh: L.N

Tương tự, HTX Nông nghiệp dịch vụ Linh Nham (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) có 27 ha hồ tiêu, cà phê được chứng nhận phương pháp sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA, EU. Cùng với đó, các sản phẩm tiêu hữu cơ Linh Nham đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ông Nguyễn Thành Châu-Giám đốc HTX-cho hay: “Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc hữu cơ nên sản phẩm tiêu đen của HTX đã có mặt ở những thị trường khó tính như Mỹ, EU bởi chất lượng vượt trội, độ an toàn tuyệt đối và hàm lượng dinh dưỡng cao”.

Năm 2014, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku) đã triển khai Dự án nông trại cà phê hữu cơ tại xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) với tổng diện tích 42 ha. Đến nay, diện tích này đã được chứng nhận sản xuất hữu cơ theo các tiêu chuẩn USDA, EU, JAS, Korea. Theo đánh giá của Công ty, ở giai đoạn kiến thiết cơ bản, sản lượng cà phê nhân đạt khoảng 60-70 tấn/năm. Tuy năng suất cà phê hữu cơ đạt thấp hơn so với canh tác phi hữu cơ nhưng giá trị đem lại cao hơn nhiều. Hiện cà phê nhân hữu cơ được Công ty xuất khẩu với giá cao hơn 300% so với giá cà phê nhân không được chứng nhận; cà phê L’amant Organic xuất khẩu với giá cao hơn 100% so với giá cà phê chế biến không được chứng nhận.

Các chuyên gia nước ngoài tìm hiểu sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: L.N

Các chuyên gia nước ngoài tìm hiểu sản phẩm cà phê hữu cơ của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: L.N

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 vùng sản xuất có tính chất công nghệ cao với tổng diện tích 3.489,6 ha, tập trung vào các loại cây trồng như: bơ, sầu riêng, thanh long, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu; 3 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú, Công ty cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp); khoảng 255.668 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, hữu cơ, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 43,1% diện tích gieo trồng toàn tỉnh).

Đến nay, toàn tỉnh có 209 mã số vùng trồng với diện tích hơn 9.281 ha và 33 mã cơ sở đóng gói với công suất đóng gói khoảng 1.345-1.495 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong thời gian đến.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, việc UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023-2030 là hết sức cần thiết.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5-2% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học được sử dụng đạt trên 30%; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3-1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Đến năm 2030, diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt trên 5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2-3% tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 1,5-3% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,5-1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ.

Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: L.N

Mô hình trồng rau thủy canh tại Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú (TP. Pleiku). Ảnh: L.N

Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: Thời gian tới, huyện căn cứ đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh để xác định sản phẩm, vùng có lợi thế và tiến hành triển khai. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là bài toán khó nên cần làm từng bước theo định hướng trang trại, hộ gia đình có điều kiện khá làm trước rồi nhân rộng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp, huyện sẽ triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó, huyện sẽ kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Còn ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh thì thông tin: Một số doanh nghiệp đã liên kết với hộ nông dân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đồng thời, địa phương tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuân thủ quy trình sản xuất, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ và ứng dụng những công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nông dân xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ cho hiệu quả cao. Ảnh: L.N

Nông dân xã Ia Nhin (huyện Chư Păh) trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ cho hiệu quả cao. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-nhấn mạnh: Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất. Tuy nhiên, sức cạnh tranh của nông sản chưa cao, vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh xuất phát từ việc sử dụng nhiều hóa chất trong sản xuất chưa được kiểm soát. Hiện nay, việc phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do đòi hỏi quy trình khắt khe, ràng buộc bởi nhiều tiêu chuẩn kỹ thuật.

“Giai đoạn 2023-2030, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, HTX và người dân cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, tăng hiệu quả sử dụng đất đai, nâng cao giá trị cây trồng trên một diện tích đất canh tác, phát triển ngành trồng trọt theo hướng hình thành các cánh đồng mẫu lớn nông nghiệp hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu; gắn sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thu hút các nhà đầu tư liên kết với người sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng bảo đảm gắn với chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm