Phát triển sản phẩm từ lợi thế
Thông tin từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) tỉnh, sau 5 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh có 305 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3-4 sao. Ngoài các nhóm may mặc và nhóm thủ công mỹ nghệ thì nhóm thực phẩm chiếm số lượng nhiều nhất với 281 sản phẩm.
Trong đó, nhiều chủ thể là hộ kinh doanh cá thể, HTX và doanh nghiệp đã chọn những sản phẩm chăn nuôi bò, heo, chim yến và ong mật để đầu tư máy móc, chế biến thành những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Sản phẩm bò một nắng huyện Krông Pa được công nhận OCOP 3-4 sao. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Krông Pa là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh, người dân nơi đây chủ yếu nuôi bò cỏ chăn thả rông nên chất lượng thịt bò thơm ngon. Những năm gần đây, nhiều chủ thể của huyện đã đầu tư máy móc chế biến thịt bò một nắng, bò khô sợi, bò gác bếp...
Ngoài ra, huyện cũng có sản phẩm heo một nắng, ba chỉ heo một nắng được công nhận đạt OCOP 3-4 sao. Thông tin từ phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông, qua hơn 4 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện đã có 29 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3-4 sao. Tập trung chủ yếu các sản phẩm từ chăn nuôi bò, heo, dê.
Ông Võ Ngọc Châu-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP từ thịt bò của huyện tiêu thụ ổn định tạo động lực giúp các chủ thể tiếp tục đầu tư nâng tầm sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao.
“Trong thời gian tới, huyện tiếp tục định hướng các chủ thể chọn những sản phẩm chủ lực đầu tư phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, các sản phẩm từ chăn nuôi bò, heo và dê vẫn là chủ lực để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm từ chăn nuôi mang thương hiệu Krông Pa-Gia Lai…”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thông tin thêm.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Bên cạnh các sản phẩm từ chăn nuôi bò, heo, hiện nay một số địa phương như Chư Sê, Ia Pa, Đức Cơ và thị xã Ayun Pa đang phát triển nghề nuôi chim yến và đã đầu tư, xây dựng sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao.
Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho hay: Nhiều chủ thể nuôi chim yến trên địa bàn huyện đã đầu tư chế biến nâng tầm các sản phẩm yến sào tinh, yến sào thô thành những bộ sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao như bộ tổ yến nguyên chất Hoài Trương (HTX Nông lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê); bộ sản phẩm yến tinh chế Minh Huy…
"Nhiều chủ thể đã có sản phẩm được công nhận OCOP 3-4 sao là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển theo hướng bền vững trong những năm tới”- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê nói.
Hướng đến sự bền vững
Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã mang đến sức sống mới trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Những sản phẩm chủ lực từ trồng trọt đến chăn nuôi đã được các chủ thể lựa chọn đầu tư nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm phù hợp với thực tế của địa phương, nhu cầu thị trường tiêu thụ mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh những sản phẩm OCOP từ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với P.V, ông Trần Văn Văn-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh-cho biết: Sau 5 năm thực hiện, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh. Ngoài các sản phẩm từ trồng trọt, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi được các chủ thể lựa chọn đầu tư cải tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã đảm bảo đủ điều kiện tem, nhãn, mác và vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số sản phẩm ký hợp đồng tiêu thụ với các cửa hàng, siêu thị…
Bên cạnh đó, các chủ thể có sản phẩm OCOP tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP từ chăn nuôi. Tạo xu thế mới cho nông dân, doanh nghiệp ở các vùng nông thôn trong tỉnh phát triển kinh tế.
Bò một nắng Mười Đức (huyện Krông Pa) được chứng nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: Nguyễn Diệp |
“Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối NTM tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tuyên truyền, vận động các chủ thể duy trì củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đã được chứng nhận. Phát triển sản phẩm OCOP gắn thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn. Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm tạo niềm tin xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP Gia Lai trong lòng người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đánh giá, phân hạng sản phẩm đúng thực chất, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Hướng dẫn các chủ thể đăng ký quyền sở hữu công nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng làm nông nghiệp cho thanh niên, đào tạo lao động gắn với sản phẩm OCOP. Xây dựng chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn vùng nguyên liệu ổn định từ phát triển chăn nuôi…”-Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh nói.