Thời sự - Bình luận

Phạt vậy răn được ai!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuối cùng rồi bà chủ shop quần áo ở TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) cũng đã nộp 2,5 triệu đồng vì hành vi đánh chị lao công khi bị nhắc nhở không được xả rác ra đường.
 Phạt thì đã phạt rồi, nhưng không ai chắc cách xử lý này sẽ răn đe được người xả rác và càng nghi ngờ về tính giáo dục của câu chuyện này.
Thật ra cũng là cách xem mặt đặt tên, chủ shop khinh thường cộng đồng, hành động phản cảm với chị lao công, nhưng nếu người nhắc nhở là anh công an phường thì chắc mọi việc đã khác. Cũng thêm một chữ nếu, là clip trên không được đưa lên mạng xã hội, gây bức xúc cộng đồng thì chưa chắc cô gái trên bị phạt và càng không có màn xin lỗi người bị đánh. 
 Ảnh cắt từ clip
Ảnh cắt từ clip
Hình dung câu chuyện như thế, bởi chuyện xả rác đã thành vấn nạn của cộng đồng. Vài người xả thì là chuyện văn hóa cá nhân, nhưng đâu đâu cũng thấy rác thì chính là câu chuyện văn hóa xã hội. Từng cá nhân đặt bản thân trước lợi ích của cộng đồng nên ai động vào lợi ích này sẽ bị phản ứng gay gắt bất kể đúng sai. Bài học về cách ứng xử với cộng đồng đã không được dạy kỹ trong nhà trường, quá nhiều lơi lỏng (thậm chí bêu gương xấu) khi ở nhà, còn ở xã hội thì thiếu sự xử lý nghiêm khắc nên câu chuyện trên có thể thấy ở nhiều nơi, chứ không riêng gì TP Đông Hà.
Nếu câu chuyện trên xảy ra ở Singapore thì sao? Chỉ riêng hành vi xả rác là đã bị phạt tiền nặng. Còn tấn công người khác chắc chắn sẽ bị phạt roi và phạt tù. Câu chuyện trên xảy ra ở châu Âu thì cảnh sát sẽ có mặt và tòa án là nơi chủ shop kia nói lời xin lỗi. Đây là lý do tính cộng đồng ở các nước phát triển luôn được đặt trong khuôn khổ và văn hóa cộng đồng luôn được gìn giữ.
Một câu chuyện tương tự là hai vợ chồng Việt kiều ở quận 7, TP HCM khi dắt chó đi dạo không rọ mõm bị nhắc nhở thì nhục mạ 2 bác bảo vệ. Mức phạt là 700.000 đồng, nhưng trớ trêu là phạt cho hành vi không mang rọ mõm cho chó chứ không phải hành vi nhục mạ người khác. Phạt như thế khác nào làm nhục người khác thêm một lần nữa. Cộng đồng tức giận với câu chuyện trên chính là thái độ trịch thượng, khinh khi người khác và cách ứng xử kém văn hóa của người nuôi chó chứ nào phải chuyện con chó. Hành vi này pháp luật có quy định xử lý cụ thể, nếu lơ là cho qua thì khó răn đe được ai.
Cách hành xử là chuyện cá nhân, nhưng tác động đến người khác là chuyện xã hội nên phải có quy định pháp luật ràng buộc. Những hành vi tác động xấu đến cộng đồng phải bị nghiêm trị chứ không đơn giản bị phạt ít tiền, nói câu xin lỗi là xong chuyện. Thậm chí ở nhiều trường hợp, người trong cuộc sẽ coi thường mức xử phạt. 700.000 đồng sẽ chẳng thay đổi được văn hóa ứng xử của vợ chồng anh chàng Việt kiều; 2,5 triệu đồng cũng không thể xoa dịu được sự ấm ức của chị lao công, rồi bao người thiếu ý thức khác sẽ chẳng thấy mình trong những vụ việc tương tự. Như thế, chúng ta sẽ thấy hy vọng về việc cải thiện văn hóa cộng đồng còn xa vời lắm. 
Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm