Theo đó, đề án đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, tạo được chuyển biến rõ nét, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, kinh tế số của tỉnh; là tiền đề, động lực thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với chương trình, kế hoạch Chuyển đổi số của tỉnh, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia, Đề án 06; khắc phục được các hạn chế, khó khăn hiện tại, đảm bảo kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai ngay; gắn với bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu tổ chức, cá nhân người dùng trên không gian mạng.
Để đạt những mục tiêu đề ra trong đề án, Gia Lai tập trung triển khai 8 giải pháp trọng tâm, gồm: chuyển đổi nhận thức; xây dựng cơ chế, chính sách và nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số; phát triển hạ tầng, ứng dụng, nền tảng số và phát triển dữ liệu số; bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng; phát triển Chính quyền số và Đô thị thông minh; phát triển Kinh tế số; phát triển Xã hội số. Đồng thời, tập trung ưu tiên chuyển đổi số vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục và đào tạo, du lịch, giao thông vận tải và hạ tầng logistics, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hệ thống thông tin cơ sở.