Thời sự - Sự kiện

Phiên làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)-

Sáng 6-12, sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, các đại biểu nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ban, ngành báo cáo tình hình hoạt động năm 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Nhiều kết quả khả quan

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Gia Lai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, nỗ lực phấn đấu của các ngành, các cấp, của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Theo đó, có 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết đề ra.

“Năm 2023, tỉnh ta có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với năm 2022 như: tổng diện tích gieo trồng ước đạt 587.199 ha, tăng 2,98% so với năm trước; giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 34.360 tỷ đồng, tăng 7,18% so với năm 2022; giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 31.620 tỷ đồng, đạt 100% nghị quyết, tăng 9,45% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước thực hiện 42.000 tỷ đồng, đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra, tăng 9,28% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 680 triệu USD, đạt chỉ tiêu nghị quyết, tăng 3,03% so với năm 2022”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nêu rõ.

Ngoài ra, hoạt động du lịch có nhiều khởi sắc khi đón trên 1,15 triệu lượt khách du lịch, tăng 19,8% so với năm 2022, vượt 4,6% chỉ tiêu kế hoạch năm 2023. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, song so với kế hoạch đề ra, tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế chỉ rõ: Trong 24 chỉ tiêu, có 7 chỉ tiêu chính và 2 chỉ tiêu thành phần không đạt nghị quyết đề ra. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh chỉ đạt 3,02%, đứng cuối khu vực Tây Nguyên; thu ngân sách chưa đạt kế hoạch (đạt 88,5% so với nghị quyết, giảm 7,8% so với năm 2022); giải ngân vốn đầu tư công thấp; tiến độ triển khai quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn; một số cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư công còn chồng chéo, bất cập; kế hoạch sử dụng đất một số địa phương chậm hoàn thành; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cùng với đó, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra; trật tự an toàn xã hội, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp. Một số sở, ngành, địa phương, cá nhân thực hiện chưa nghiêm túc quy chế làm việc; công tác phối hợp giải quyết công việc thiếu chặt chẽ.

“Nhằm phấn đấu đạt được cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra năm 2024, UBND tỉnh sẽ tích cực chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết liệt hành động, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, cùng tháo gỡ khó khăn, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đối ngoại năm 2024”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 15. Ảnh: Đức Thụy

Thông tin về tình hình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh năm 2023, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút cho biết: Trong năm, nhiều hoạt động được đổi mới về phương thức, hình thức và nội dung, chất lượng ngày càng được nâng lên và mang lại hiệu quả cao. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 30 phiên họp thường kỳ hàng tháng và giao ban hàng tuần giữa Thường trực HĐND tỉnh với lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; thống nhất, quyết định ban hành 6 thông báo kết luận của Thường trực HĐND tỉnh và 38 nghị quyết chấp thuận chủ trương xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh quyết định các nội dung khác thuộc thẩm quyền.

Các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và tiếp nhận, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đảm bảo kịp thời, đúng quy định. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh có sự chuyển biến; tính dân chủ được nâng cao, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra.

“Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục cải tiến việc tổ chức các kỳ họp HĐND tỉnh theo hướng tổ chức các kỳ họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề phát sinh đột xuất, quyết định những nội dung, quan trọng cấp bách của tỉnh; chỉ đạo, điều hành các hoạt động thẩm tra, chất vấn, giải trình tại kỳ họp; nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; các nội dung, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp đảm bảo đúng quy định của pháp luật”-bà Ayun H’Bút nêu rõ.

Cần tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc

Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: Bên cạnh những mặt đạt được, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó, có 7/21 chỉ tiêu chính không đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản mới đạt 37,2% kế hoạch; tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương; tai nạn giao thông mặc dù giảm cả 3 tiêu chí so với năm 2022 nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy tăng so với năm trước; tình hình cháy, nổ còn khó kiểm soát; an ninh mạng diễn biến phức tạp. Vì vậy, các đại biểu cần thảo luận, đề xuất những giải pháp sát thực, cụ thể, phù hợp, mang tính khả thi cao để năm 2024 có sự chuyển biến tốt hơn, góp phần hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút thông tin về tình hình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh trong năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút thông tin về tình hình hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh trong năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024. Ảnh: Đức Thụy

“Kỳ họp sẽ dành 1,5 ngày để thảo luận tổ, thảo luận chung tại Hội trường và tổ chức phiên chất vấn, trả lời chất vấn (theo từng nhóm lĩnh vực). Các nội dung trình kỳ họp được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo hồ sơ và đã được thẩm tra theo quy định. Do đó, tôi đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh dành thời gian nghiên cứu tài liệu; phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện rõ quan điểm với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, làm cơ sở để HĐND tỉnh quyết định ban hành nghị quyết có tính khả thi cao, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thực tiễn của địa phương”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị tỉnh Gia Lai cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa, tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV vừa được thông qua, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tạo sự thống nhất đồng bộ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị trong tỉnh nói chung và HĐND các cấp nói riêng, lan tỏa tới các tầng lớp nhân dân để triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp mà các nghị quyết đã đề ra. Tỉnh cần kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, biến khát vọng thành hiện thực.

Qua đó, góp phần đưa Gia Lai tiếp tục phát triển toàn diện và bền vững, đóng góp quan trọng cùng với các tỉnh khu vực Tây Nguyên theo tinh thần Nghị quyết số 23 ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị Gia Lai cần đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, tạo sự kết nối liên thông, đồng bộ, phát triển lan tỏa. Tập trung các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc đã được chỉ ra, tiếp tục hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chỉ đạo quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công; chú trọng công tác an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng chuyên nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu lực của HĐND, Thường trực HĐND, các ban, tổ, các vị đại biểu HĐND tỉnh trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương, bảo đảm thực hiện kịp thời các quy định và quyết định của cơ quan Nhà nước cấp trên và nghị quyết của Tỉnh ủy, chính quyền địa phương. Tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giám sát của HĐND, phấn đấu tạo chuyển biến rõ rệt và nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, từ đó làm tốt nhiệm vụ kiểm soát quyền lực và phòng-chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ở địa phương. Đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chú trọng công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động thẩm tra, giám sát của các ban, các tổ đại biểu của HĐND.

“Cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh cần tiếp tục chú trọng, nắm chắc tình hình ở cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác vận động quần chúng, để tạo sự đồng thuận, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng và phát triển tỉnh, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Chủ động nắm chắc tình hình an ninh chính trị, an ninh văn hóa tư tưởng, tình hình tôn giáo, không để bị động, bất ngờ…”-ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị.

Chiều nay, UBND tỉnh sẽ trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh khóa XII; UBND tỉnh sẽ trình bày các dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp; các Ban HĐND tỉnh sẽ tiến hành báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình tại kỳ họp. Đồng thời, HĐND tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) bầu.

Báo Gia Lai Điện tử sẽ liên tục thông tin đến quý độc giả diễn biến kỳ họp.

Có thể bạn quan tâm