Thời sự - Sự kiện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế chỉ đạo về hợp tác giữa Gia Lai với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa phân công đồng chí Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các nội dung hợp tác giữa tỉnh Gia Lai với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Tây Nguyên.

Ngày 8-6, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long ký ban hành Công văn số 1361/UBND-KTTH về triển khai Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVN Licogi 16, giai đoạn 1 có công suất 15 MWp của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6-2019. Ảnh: Minh Triều
Dự án Nhà máy Điện mặt trời Chư Ngọc-EVN Licogi 16, giai đoạn 1 có công suất 15 MWp của doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 6-2019. Ảnh: Minh Triều

Theo đó, trên cơ sở ý kiến trao đổi của UBND TP. Hồ Chí Minh tại Công văn số 1930/UBND- TH ngày 11-5-2023 về việc phối hợp triển khai các nội dung Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên, UBND tỉnh Gia Lai thống nhất phân công đồng chí Nguyễn Hữu Quế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo các nội dung hợp tác giữa tỉnh Gia Lai với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương vùng Tây Nguyên.

Cùng với đó, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan căn cứ nội dung Bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025, tham mưu UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch, phương hướng, nhiệm vụ giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung thỏa thuận đã ký kết; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-6-2023.

Theo Bản thỏa thuận Hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2025, các lĩnh vực hợp tác trọng tâm gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; lĩnh vực nông nghiệp.

Riêng tỉnh Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh hợp tác song phương trên các lĩnh vực: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu; công nghiệp chế biến, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; du lịch.

Có thể bạn quan tâm