Thời sự - Sự kiện

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các chính sách lao động, người có công và xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 26-12, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị. 
Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Phó Thủ tướng Chính Phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Hội nghị kết nối đến 63 điểm cầu trên toàn quốc. Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên; và kết nối đến 17 điểm cầu ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định: Năm 2023, Bộ đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

Cụ thể, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động đã mang lại những kết quả tích cực, giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định; tình trạng hàng trăm nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp diễn ra từ quý IV-2022 đã giảm nhiệt trong các tháng cuối năm 2023.

Các chỉ số về lực lượng lao động, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm, thu nhập của người lao động cơ bản ổn định. Ước thực hiện năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%; 155.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129% so với kế hoạch năm, tăng 8,55% so với năm 2022, đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, bảo trợ giúp xã hội, giảm nghèo, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt... được thực hiện đầy đủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội

Cũng tại hội nghị, các cơ quan trung ương và địa phương đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội, những khó khăn, thuận lợi, đồng thời đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện tốt nhiệm vụ thời gian tới.

Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, năm 2024, toàn ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã ban hành với 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành, 14 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu; hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính sách, pháp luật về lao động, người có công và xã hội; phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đổi mới, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi; tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em...

Hội nghị cũng thống nhất một số chỉ tiêu cụ thể năm 2024 như: phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%; đưa khoảng 125.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 42-43%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 33-33,5%.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Đinh Yến

Riêng đối với tỉnh Gia Lai, trong năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 26.580 lao động, đạt 100,3% kế hoạch, tăng 1,22% so với cùng kỳ năm 2022; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề ước đạt 15.297 người, đạt 122,4% kế hoạch; tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm cho 40.542 lao động; giải quyết hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 5.334 lao động.

Các chế độ chính sách cho người có công được đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Năm 2023, toàn tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,11%, tương đương với 31.502 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo xuống còn 9,21% tương đương với 35.749 hộ…

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được của ngành Lao động-Thương binh và Xã hội trong năm 2023; đồng thời đề nghị ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai đồng bộ, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả các chính sách lao động, người có công và xã hội, nhằm góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tiếp tục tham mưu triển khai đưa Nghị quyết số 42-NQ/TW, ngày 24-11-2023 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới vào cuộc sống. Tập trung xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi), Luật Công đoàn.

Tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động, tạo việc làm, đảm bảo an ninh trật tự. Phát triển thị trường lao động đầy đủ, hiện đại, vận hành linh hoạt, đảm bảo đồng bộ, liên thông đa tầng, đa ngành, đa lĩnh vực, đa vùng và hội nhập quốc tế. Kết nối và điều tiết hiệu quả cung-cầu lao động, khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực nhà nước, ngoài nhà nước, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Phó Thủ thủ tướng Chính Phủ cũng đề nghị toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức sàn giao dịch việc làm; thực hiện nhiều giải pháp dự báo, thích ứng về giới, già hóa dân số. Thực hiện cơ chế liên thông đào tạo nghề; ban hành định mức đơn giá với hoạt động tìm kiếm, xét nghiệm ADN các liệt sĩ chưa xác định tên. Xây dựng các nền tảng số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu với nhau và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mở rộng bao phủ và phát triển chính sách bảo hiểm xã hội phù hợp với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, đa dạng và nâng cao khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện để thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện.

Có thể bạn quan tâm