Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành họp khẩn với các bộ ngành, 28 tỉnh thành để ứng phó bão Rai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bão Rai giật cấp 17, sóng biển cao 8-10 m, đang di chuyển rất nhanh hướng vào vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Khánh Hòa. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp kết nối trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển để ứng phó.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết hồi 13 giờ ngày 17-12, vị trí tâm bão Rai ở khoảng 10,2 độ Vĩ Bắc; 120,1 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Palawan (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165 km/giờ), giật cấp 17.
 

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão RAI với 28 tỉnh, thành phố ven biển - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp ứng phó cơn bão RAI với 28 tỉnh, thành phố ven biển - Ảnh: VGP


Để ứng phó bão Rai, chiều nay 17-12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đang chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, Chủ tịch UBND, thành viên ban chỉ đạo phòng chống thiên tai 28 tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang để triển khai các công tác ứng phó với bão Rai.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, như vậy chiều tối nay bão sẽ đi vào Biển Đông.

Đến 13 giờ ngày 18-12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,3 độ Vĩ Bắc; 114,3 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (135-165 km/giờ), giật cấp 17.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,5 đến 14,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.


 

 Vị trí và dự báo đường đi của bão Rai
Vị trí và dự báo đường đi của bão Rai



Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km.

Đến 13 giờ ngày 19-12, vị trí tâm bão ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 110,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi từ Bình Định đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150 km/giờ), giật cấp 16.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Từ vĩ tuyến 9,0 đến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10; ở vùng biển Giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8 -10 m; biển động dữ dội. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển khu vực Giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa): Cấp 4.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 13 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi khoảng 200 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/giờ), giật cấp 13.

Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, cường độ có xu hướng giảm dần

Trong 96 đến 120 giờ tiếp theo, bão đổi hướng di chuyển theo hướng Đông, mỗi giờ đi được 10-15 km, cường độ bão tiếp tục có xu hướng giảm dần.

 

Theo Văn Duẩn (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm