Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

“Phòng tin học cho em”: Thiết thực, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm học 2022-2023, Tin học trở thành môn bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3. Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ môn học này vẫn còn thiếu thốn, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, một nhóm bạn trẻ của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trực thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã sáng lập chương trình “Phòng tin học cho em” với mong muốn mang tin học đến gần hơn với các em thiếu nhi.

Các em học sinh Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) vui mừng khi được học trên những chiếc máy tính mới. Ảnh: H.Đ.T

Các em học sinh Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) vui mừng khi được học trên những chiếc máy tính mới. Ảnh: H.Đ.T

Thầy trò Trường Tiểu học Kông Lơng Khơng (huyện Kbang) không giấu được niềm vui khi tiếp nhận 15 bộ máy vi tính với trị giá 90 triệu đồng do Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Tình nguyện Quốc gia trao tặng. Vừa ngắm nhìn chiếc máy tính mới, em Nguyễn Huỳnh Thụy Miên (lớp 4A1) hồ hởi cho biết: “Em rất thích môn Tin học nhưng nhà trường chưa có máy tính. Nay được các cô chú tặng máy tính, chúng em vui lắm”.

Thầy Nguyễn Trọng Hoàng-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Toàn trường có 472 học sinh, tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm 80%. Thời gian qua, nhà trường gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy môn Tin học cho các em học sinh từ lớp 3 trở lên. Vì vậy, khi được tiếp nhận số máy vi tính này, chúng tôi rất mừng. Đây là cơ hội giúp học sinh được tiếp cận với máy tính để các em không còn phải “học chay” như thời gian trước nữa.

Cùng chung niềm vui, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du (xã Cư An, huyện Đak Pơ) cũng được chương trình “Phòng tin học cho em” trao 30 bộ máy tính với trị giá 170 triệu đồng. Thầy Nguyễn Văn Hữu-Giáo viên môn Tin học-chia sẻ: Cách đây khá lâu, nhà trường được trang bị 1 phòng máy. Qua một thời gian sử dụng, máy tính đã xuống cấp. Giáo viên không thể truyền đạt đầy đủ kiến thức, kỹ năng thực hành cho các em trong 1 tiết học. Với hệ thống máy mới này, học sinh sẽ có điều kiện tiếp thu bài tốt hơn. Đối với học sinh ở điểm trường cũng không phải di chuyển hơn 5 km mới đến được phòng tin học như trước.

Từ tháng 10-2023 đến nay, chương trình đã trao 108 máy tính với tổng trị giá 630 triệu đồng. Ảnh: H.Đ.T

Từ tháng 10-2023 đến nay, chương trình đã trao 108 máy tính với tổng trị giá 630 triệu đồng. Ảnh: H.Đ.T

Được biết, chương trình “Phòng tin học cho em” là sáng kiến của anh Hoàng Hoa Trung-người sáng lập và điều hành hệ sinh thái “Nuôi em”. Chương trình do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia triển khai từ đầu năm 2023. Mục tiêu của chương trình là góp phần thúc đẩy giáo dục vùng cao bằng công nghệ, giúp học sinh người dân tộc thiểu số tiếp cận với máy tính để các em nhanh chóng bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội. Thời gian qua, Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh đã kết nối với Trung tâm Tình nguyện Quốc gia triển khai thực hiện chương trình này. Từ tháng 10-2023 đến nay, chương trình đã trao 108 máy tính với tổng trị giá 630 triệu đồng.

Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Nguyễn Phương Linh-Phụ trách chương trình-cho biết: “Gia Lai có tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số cao và còn nhiều khó khăn. Nhiều em chưa được tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin. Vì thế, chương trình “Phòng tin học cho em” sẽ đem đến cho các em học sinh cơ hội tiếp cận với máy tính nhằm đáp ứng tốt hơn trong quá trình học tập tại trường. Từ nay đến đầu năm học 2024-2025, chúng tôi sẽ tiếp tục trao tặng 8 “phòng tin học cho em” với tổng trị giá gần 600 triệu đồng”.

Có thể bạn quan tâm