Phụ nữ Chư Pah nhiều mô hình hay, phong trào hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng sự sáng tạo, thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chư Pah, Gia Lai đã triển khai nhiều mô hình hay, giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Chư Pah đã thực hiện nhiều mô hình, phong trào thiết thực. Trong số này có 3 mô hình, phong trào được ghi nhận và đánh giá cao gồm: “Xóa bỏ các hủ tục ma chay, cưới hỏi kéo dài” ở làng Kép 2 (xã Ia Mơ Nông), “Phụ nữ khởi nghiệp làng Ia Sir (thị trấn Ia Ly) và “Nhà tiêu hợp vệ sinh” làng Bui (xã Nghĩa Hưng). 
 Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah: “Những mô hình hiệu quả của Hội LHPN huyện Chư Pah đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Chúng tôi ghi nhận và hy vọng Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục làm tốt vai trò tổ chức, tập hợp và động viên hội viên, phụ nữ tích cực xây dựng, triển khai các mô hình mới, qua đó góp phần thay đổi cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới”.
Lãnh đạo huyện trao đổi với phụ nữ về các mô hình khởi nghiệp.  Ảnh: Đ.Y
Nói về mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp”, bà Phạm Thị Thúy-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pah-cho biết: Đầu năm 2018, thực hiện mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh phát động, Hội LHPN huyện đã triển khai đến hội viên và được đông đảo chị em phụ nữ hưởng ứng tham gia. Đến nay, đã có 37 mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp” của các cơ sở Hội được thành lập; nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả như kinh doanh đặc sản địa phương, trồng nấm, làm trang trại sạch, trồng rau sạch... Trong số đó phải kể đến mô hình làm trang trại sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (làng Ia Sir, thị trấn Ia Ly).
 Chị Xuân có 5 ha cà phê kinh doanh và ấp ủ ý tưởng xây dựng “thương hiệu” cà phê sạch. Vì thế, trong quá trình chăm sóc cây, chị dùng phân bón hữu cơ, hạn chế dùng thuốc sâu và thuốc diệt cỏ. Còn khi thu hái, trên vườn cây quả cà phê phải chín 90-100%, nếu không đạt được thì hái tỉa để lấy chất lượng.
Trao đổi với P.V, chị Xuân cho biết: Với 5 ha, trung bình mỗi năm chị thu khoảng 20 tấn cà phê nhân. “Từ năm 2017 đến nay, cà phê nhân làm ra tôi đều không bán mà để dành làm nguyên liệu phục vụ Cơ sở sản xuất-chế biến cà phê sạch Xuân Dương của gia đình. Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo từ quá trình chăm sóc tới thu hái, chế biến và đóng gói, gia đình tôi đã lựa chọn cách làm thủ công. Mô hình khởi nghiệp với cà phê sạch này đã được đưa ra giới thiệu toàn tỉnh và được đông đảo khách hàng đón nhận”-chị Xuân bày tỏ. Đánh giá về mô hình trên, bà Đỗ Thị Trúc Ly-Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ia Ly-nhận xét: “Mô hình khởi nghiệp của gia đình chị Xuân không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn tạo việc làm cho nhiều chị em trong vùng. Vì vậy, mô hình cần được nhân rộng để bà con cùng thực hiện, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới”.
Ông Đoàn Bảy-Bí thư Huyện ủy Chư Pah: “Những mô hình hiệu quả của Hội LHPN huyện Chư Pah đã tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Chúng tôi ghi nhận và hy vọng Hội Phụ nữ các cấp tiếp tục làm tốt vai trò tổ chức, tập hợp và động viên hội viên, phụ nữ tích cực xây dựng, triển khai các mô hình mới, qua đó góp phần thay đổi cuộc sống, chung tay xây dựng nông thôn mới”.  

Trong khi đó, chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình “Xóa bỏ các hủ tục ma chay, cưới hỏi kéo dài”, chị Siu Thỏi-Tổ trưởng mô hình làng Kép 2-cho biết: Nhận thấy hệ lụy từ việc tổ chức ma chay, cưới hỏi linh đình, kéo dài gây lãng phí tiền bạc, thời gian, sức khỏe, Ban nhân dân thôn đã họp bàn với chi hội Phụ nữ thôn thành lập mô hình này. Mô hình thành lập đầu năm 2018, lúc đầu chỉ có hội viên, phụ nữ tham gia nhưng hiện nay tất cả già trẻ, gái trai trong làng đều tích cực hưởng ứng. Trước đây, mỗi khi cưới hỏi là cả làng nghỉ làm cả tuần để vui chơi, chẳng màng lao động. Khi có tang ma cũng vậy, bà con đến chia buồn mang theo gạo, rượu, gà heo... rất tốn kém. Gia đình có tang ma nếu không có kinh phí tổ chức thì phải vay mượn khắp nơi hoặc ký nợ, vay nặng lãi ở các đại lý thu mua nông sản, sau đó phải nai lưng ra trả nợ, không trả được thì mất đất, mất nhà, khổ sở đủ đường. “Bằng cách linh hoạt, khéo léo lồng ghép tuyên truyền 2 lần/tháng, nội dung sát với tình hình thực tế của địa phương, dần dần bà con đã hiểu ra và dần xóa bỏ những hủ tục không có lợi cho gia đình và cộng đồng”-chị Siu Thỏi chia sẻ.
Về ý tưởng thành lập mô hình “Làm nhà tiêu hợp vệ sinh” ở làng Bui, bà Phạm Thị Thoa-Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hưng-nhấn mạnh: Việc sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh tác động không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng và gia đình cũng như mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương, do vậy từ tháng 4-2018, Hội LHPN xã đã chọn làng Bui thực hiện điểm mô hình “Làm nhà tiêu hợp vệ sinh”. Sau khi tập trung tuyên truyền, vận động, chị em đã tích cực tham gia. Nhiều gia đình giờ đã thay đổi nhận thức, tích cực hưởng ứng thực hiện, góp phần vào việc bảo vệ sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường địa phương bền vững. Đến nay đã có 26/121 hộ gia đình phụ nữ làng Bui tự bỏ kinh phí làm nhà tiêu hợp vệ sinh. “Thành công khi triển khai mô hình tại làng Bui là cơ sở để thời gian tới, Hội LHPN xã Nghĩa Hưng tiếp tục vận động nhân rộng ra chi hội các làng khác trên địa bàn toàn xã. Tuy nhiên, do đời sống còn nhiều khó khăn, nên nếu được hỗ trợ phần nào kinh phí xây dựng thì bà con sẽ hưởng ứng tích cực hơn”-bà Thoa chia sẻ.  
Trao đổi với P.V, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Pah-khẳng định: Các mô hình trên đều mang lại ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ thành lập các mô hình mới, đẩy mạnh phong trào thi đua, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và tham gia hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm