Xã hội

Gia đình

Phụ nữ Phú Thiện: Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Phú Thiện, Gia Lai đã triển khai hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện Võ Hoàng Lan cho hay: Hơn 7 năm qua, Hội đã xây dựng nhiều mô hình để cụ thể hóa cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với rất nhiều hoạt động thiết thực. “5 không” là: không đói nghèo; không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học. “3 sạch” là: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ.
 Cán bộ phụ nữ xã Ia Piar và thôn Thanh Trang vận động người dân làm hàng rào xanh-sạch-đẹp. Ảnh: T.Đ
Cán bộ phụ nữ xã Ia Piar và thôn Thanh Trang vận động người dân làm hàng rào xanh-sạch-đẹp. Ảnh: T.Đ
Để đưa cuộc vận động đến với chị em phụ nữ một cách thiết thực, Hội LHPN huyện đã xây dựng các tiêu chí đánh giá, đồng thời triển khai thành lập các mô hình hoạt động tại cơ sở với nhiều hình thức tuyên truyền thông qua sinh hoạt tập thể, lồng ghép với các chương trình, tiếp cận từng chị em để vận động. Là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, những nội dung được triển khai cho các hội viên phụ nữ là người dân tộc thiểu số đều được các chị em hưởng ứng nhiệt tình. Điều này thể hiện qua những phần việc, công trình mà chị em phụ nữ tại địa phương triển khai trong suốt thời gian qua.
Chị Rmah HNhuih (ở Plei Tăng, xã Ia Ake) là một điển hình về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và vận động bà con người Jrai tham gia cánh đồng lúa lớn một giống. Chị HNhuih cho hay: Gia đình chị sản xuất gần 1 ha cánh đồng lúa lớn một giống liên kết với Hợp tác xã Chư A Thai, trồng các loại giống nếp, TBR225, LH12 có năng suất, chất lượng cao, lại được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm nên có thu nhập khá. “Ngoài việc hỗ trợ chị em trong làng kỹ thuật sản xuất lúa theo quy trình IPM, tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định, chúng tôi cũng muốn đóng góp công sức vào những hoạt động khác như: vận động bà con di dời chuồng bò ra khỏi gầm nhà sàn, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia các hoạt động văn hóa, giải trí cho chị em phụ nữ trong làng...”-chị HNhuih nói.
Cùng các hội viên phụ nữ xã Ia Piar đi thăm các thôn, khu vực làng đồng bào Jrai đang sinh sống, có thể nhận thấy đường sá, cảnh quan nơi này đã trở nên sạch sẽ, thông thoáng hơn rất nhiều, ít dần cảnh heo, bò nhốt dưới gầm nhà sàn, khác xa so với những năm trước đây. Tuy đời sống vẫn còn khó khăn, song nhờ những mô hình đang phát huy hiệu quả, đời sống tinh thần của bà con đã được cải thiện.
Thôn Thanh Trang (xã Ia Piar) được xem là điểm sáng phụ nữ thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”. Thôn hiện có hơn 74 hộ, 279 khẩu, chiếm hơn nửa là đồng bào dân tộc Tày gốc Cao Bằng. Nhờ bản tính chịu thương chịu khó, lại biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý nên hầu hết gia đình chị em phụ nữ trong thôn đều có kinh tế ổn định. Trong thôn chỉ còn gia đình chị Lê Thị Phượng, 47 tuổi, do đông con, không có ruộng rẫy, lại hay bị đau ốm nên thuộc diện hộ nghèo. Chị Nông Thị Huyền-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ thôn cho hay, chị em trong chi hội thường xuyên cắt cử nhau giúp đỡ gia đình chị Phượng dọn dẹp vệ sinh khuôn viên vườn nhà và chăm sóc vườn rau ngót gần 1 sào để ổn định thu nhập, phấn đấu cuối năm 2018 ra khỏi diện cận nghèo. Đồng thời, hỗ trợ 3 con của chị chi phí học hành để không phải bỏ học giữa chừng.
Để mô hình phát huy hiệu quả thiết thực, Hội LHPN xã Ia Piar đã vận động chị em di dời chuồng trại nhốt gia súc ra khỏi gầm nhà sàn; thành lập được Câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp” và “3 sạch”, xây dựng con đường phụ nữ tự quản… để chị em có sự gắn kết. Vào những ngày cuối tuần, hàng chục lượt chị em cùng dọn vệ sinh, phát quang ngõ xóm, thu dọn rác thải, phát tờ rơi tuyên truyền..., qua đó đẩy lùi tình trạng rác thải ứ đọng, gây ô nhiễm trong khu vực dân cư.
Chị Nguyễn Thị Hằng-Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Piar, cho biết: “Những mô hình hoạt động này hiện đang được các chị em hưởng ứng nhiệt tình. Qua thời gian, hiệu quả từ các mô hình, các cuộc tuyên truyền được nâng lên rõ rệt. Vai trò làm chủ gia đình của phụ nữ người Jrai cũng được nâng lên, giúp chị em thêm hiểu biết về pháp luật và tránh xa các hoạt động tà đạo”. Nhằm giúp chị em có kinh phí di dời chuồng trại và làm nhà tắm, nhà vệ sinh, Hội LHPN xã đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho chị em vay vốn xây dựng hàng trăm công trình. Cùng với đó, Hội cũng tích cực vận động chị em đóng góp kinh phí lắp các trụ đèn thắp sáng tại hầu hết các ngả đường trong xã để thuận tiện đi lại.
Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Thiện Võ Hoàng Lan, những mô hình mà Huyện hội đã và đang triển khai không chỉ góp phần mang lại diện mạo mới cho khu vực nông thôn, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu  số, mà còn giúp chị em tiếp cận nhiều thông tin, kiến thức, mạnh dạn trong giao tiếp, ứng xử, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ huyện Phú Thiện xác định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vận động chị em tham gia vào tổ chức Hội, đồng thời đẩy mạnh các phong trào thi đua góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Trần Đức

Có thể bạn quan tâm