Xã hội

Gia đình

Phụ nữ xã Uar giúp nhau vươn lên trong cuộc sống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Uar (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều việc làm thiết thực tương trợ, giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Ấm lòng “Hũ gạo tình thương”
Sau khi sáp nhập, xã Uar còn lại 3 thôn, buôn là thôn Thanh Bình, An Bình và buôn Choanh; trong đó, buôn Choanh có 140 hội viên, phụ nữ là dân tộc thiểu số. Hơn 10 năm qua, “Hũ gạo tình thương” được duy trì, bồi đắp như sợi dây gắn kết tấm lòng thơm thảo của phụ nữ trong buôn với nhau.   
Gia đình chị Nay H’Mem là hộ nghèo của xã. Cha mất sớm, nhà có 2 sào ruộng nhưng năm ngoái chị phải cho thuê để lấy tiền chữa bệnh cho mẹ và cuối cùng tiền hết mà bà cũng không qua khỏi. Ba chị em chị thành mồ côi, sống trong căn nhà nhỏ. Cuối năm 2019, chị H’Mem lập gia đình, khi mang thai được 6 tháng thì chồng bỏ đi biệt tích. Một mình gắng gượng vừa nuôi con vừa nuôi em, hoàn cảnh gia đình chị càng thêm khốn khó.
Chị Ksor H' Duyr (ở giữa, buôn Choanh, xã Uar, huyện Krông Pa) vui mừng nhận gạo từ mô hình Hũ gạo tình thương.Ảnh.Vũ Chi
Chị Ksor H' Duyr (ở giữa; buôn Choanh, xã Uar, huyện Krông Pa) vui mừng nhận gạo từ mô hình Hũ gạo tình thương. Ảnh: Vũ Chi
Cảm thông hoàn cảnh chị H’Mem, nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 vừa qua, phụ nữ trong buôn đã gom góp tặng gia đình chị 25 kg gạo. Chị xúc động bày tỏ: “Có con nhỏ nên mình chưa làm được gì nhiều, cuộc sống khó khăn trăm bề. Nay nhận gạo giúp đỡ của chị em, mình mừng lắm, cảm ơn mọi người thật nhiều”.
Bà Nay H’Nhum-Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn Choanh-cho biết: “Tích tiểu thành đại”, chi hội gom được gần 1,5 tạ gạo/năm để giúp đỡ những chị em khó khăn. “Mỗi lần trao tặng gạo, thấy được niềm vui của chị em, chúng tôi càng có thêm động lực, cố gắng thực hiện tốt mô hình để có thể giúp đỡ được nhiều trường hợp hơn nữa”-bà H’Nhum nói.
Phát huy tổ tiết kiệm xoay vòng vốn
Cũng nhằm giúp đỡ các hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống, hội viên, phụ nữ thôn An Bình thành lập 2 tổ tiết kiệm tạo vốn giúp chị em xoay vòng làm ăn, giải quyết khó khăn trước mắt. Bà Trần Thị Hồng Huế-Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn An Bình kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm số 1-cho hay: Tổ tiết kiệm thành lập cuối năm 2018, gồm 12 thành viên với mức đóng góp 1 triệu đồng/người/năm. Đến nay, tổ có 14 thành viên, mức đóng góp tăng lên 1,5 triệu đồng/người. Sau hơn 2 năm thành lập, tổ tiết kiệm góp được trên 40 triệu đồng cho 10 lượt chị vay với lãi suất 0,5%. Những chị em gặp khó khăn đột xuất, thiếu vốn sản xuất qua bình xét sẽ được ưu tiên vay vốn trước. 
Chị Phạm Thị Nguyên (bìa phải, thôn An Bình, xã Uar, huyện Krông Pa) nhận vốn vay từ tổ tiết kiệm để kịp thời khám-chữa bệnh. Ảnh: Vũ Chi
Chị Phạm Thị Nguyên (bìa phải; thôn An Bình, xã Uar, huyện Krông Pa) nhận vốn vay từ tổ tiết kiệm để kịp thời khám-chữa bệnh. Ảnh: Vũ Chi
Chị Phạm Thị Nguyên bị bệnh thận đã 6 năm nay. Hàng tháng, chị phải vào TP. Hồ Chí Minh thăm khám, lấy thuốc điều trị, chi phí trên 6 triệu đồng. Tham gia mô hình tổ tiết kiệm số 1, năm 2019, chị Nguyên được vay số tiền 5 triệu đồng từ nguồn quỹ của tổ để có thêm kinh phí đi khám-chữa bệnh. Chị Nguyên trải lòng: “Nhờ nguồn quỹ của Tổ tiết kiệm, tôi được vay tiền để khám-chữa bệnh kịp thời. Đây thực sự là điểm tựa cho những chị em có hoàn cảnh không may như tôi”.
Bên cạnh việc giúp đỡ chị em lúc hoạn nạn, Tổ tiết kiệm cũng đã giúp nhiều chị em vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế như mua giống, phân bón để chăm sóc cây trồng.  
Trao đổi với P.V, bà Đinh Thị Tươi-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Uar chia sẻ: Các chi hội tại địa phương đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả để giúp đỡ chị em hội viên, trong đó mô hình “Hũ gạo tình thương”, thành lập Tổ tiết kiệm hay giúp đỡ ngày công là những việc làm có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả.
Trong thời gian tới, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục nhân rộng và lan tỏa các mô hình nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sự tương trợ để tiếp tục giúp đỡ những hội viên còn gặp khó khăn trong cuộc sống; đồng thời, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” trong đồng bào dân tộc thiểu số.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm