Kinh tế

Nông nghiệp

Phú Thiện cơ giới hóa hoạt động nuôi trồng thủy sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với diện tích mặt nước trên 350 ha, địa hình tương đối bằng phẳng, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ kỹ thuật, vận động người dân cơ giới hóa các quy trình nuôi trồng, thu hoạch thủy sản để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Toàn huyện có hơn 900 hộ nuôi trồng thủy sản, trung bình mỗi hộ 5-7 sào, chủ yếu nuôi tôm càng xanh, cá trôi, mè, chép, rô phi Na Uy và các loại cá giống.

Hàng năm, huyện phối hợp với các đơn vị hỗ trợ về kỹ thuật, kiểm định chất lượng nguồn nước tại các ao nuôi và triển khai thử nghiệm các giống mới để giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

Năm 2022, UBND huyện phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ người dân triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh; năm 2023 triển khai mô hình nuôi cá rô phi Na Uy. Ngoài ra, huyện còn hướng dẫn người dân ứng dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng thủy sản để giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Hiện có khoảng 60% hộ dân đã ứng dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng thủy sản. Trong đó, hầu hết các hộ đều sử dụng hệ thống máy móc để cải tạo ao sau mỗi vụ thu hoạch, đầu tư máy đo độ pH, máy sục khí để cung cấp oxy đảm bảo cho vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, sau khi trừ chi phí, bình quân thu nhập trên 1 sào nuôi trồng thủy sản đạt 40-50 triệu đồng/năm.

Nhờ có máy sục khí, anh Thanh nuôi tôm, cá hiệu quả hơn. Ảnh: H.T

Nhờ có máy sục khí, anh Thanh nuôi tôm, cá hiệu quả hơn. Ảnh: H.T

Xã Ia Ake hiện có 15 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích gần 14 ha. Các hộ chủ yếu nuôi cá lóc, cá rô phi Na Uy, cá trắm và tôm càng xanh. Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến Sơn thông tin: “Hiện nay, hầu hết người dân đều sử dụng máy móc phục vụ nuôi trồng thủy sản nên tôm cá sinh trưởng, phát triển nhanh hơn so với trước”.

Có thâm niên nuôi cá gần 20 năm, ông Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) cho biết: Những năm trước, ông dành 4 sào nuôi cá giống trắm cỏ và cá chép lai; 2 sào còn lại nuôi cá rô phi đơn tính thương phẩm để bán. Mỗi năm, ông thu được 4 tấn cá giống, bán với giá trung bình 60 ngàn đồng/kg.

Đối với cá rô phi đơn tính, mỗi năm, ông thu về khoảng 6 tấn, bán với giá 50 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu gần 350 triệu đồng/năm. Riêng năm nay, ông vẫn tiếp tục duy trì 4 sào nuôi cá giống, 2 sào còn lại chuyển sang nuôi tôm càng xanh.

“Bên cạnh việc áp dụng kỹ thuật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp, tôi còn vào các tỉnh miền Tây để học hỏi thêm kinh nghiệm. Hàng năm, tôi sử dụng máy móc để múc ao đảm bảo độ sâu mặt nước và xử lý nước bằng vôi bột để hạn chế dịch bệnh.

Cùng với đó, tôi đầu tư mua 2 chiếc quạt gió loại 12 cánh để quạt nước nhằm tăng tỷ lệ oxy giúp tôm, cá phát triển khỏe mạnh, nhanh lớn. Thời gian tới, tôi sẽ mua thêm máy đo độ pH nhằm kiểm soát chất lượng nguồn nước, đảm bảo môi trường sống an toàn cho các loại thủy sản”-ông Thắng cho hay.

Ông Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) sử dụng hệ thống quạt gió để tăng lượng khí oxy giúp cá phát triển khỏe mạnh. Ảnh: H.T

Ông Phạm Quang Thắng (thôn Tân Điệp 1, xã Ia Ake) sử dụng hệ thống quạt gió để tăng lượng khí oxy giúp cá phát triển khỏe mạnh. Ảnh: H.T

Còn ông Vũ Văn Quang-Công chức Địa chính-Nông nghiệp xã Ayun Hạ thì thông tin: Trên địa bàn xã có hơn 80 hộ nuôi trồng thủy sản với diện tích trung bình 1,5-2,5 sào/hộ. Hầu hết người dân sử dụng hệ thống máy móc nhằm giảm công sức, chi phí. Ngoài ra, một số hộ đã đầu tư máy chế biến thức ăn cho cá, máy bơm nước để thay đổi nguồn nước nhằm đảm bảo môi trường thuận lợi cho các loại thủy sản sinh sống nên hiệu quả kinh tế mang lại tương đối cao.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc đầu tư cơ giới hóa trong nuôi trồng thủy sản vẫn chưa đồng bộ; việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Đa số người dân vẫn còn nuôi theo hình thức quảng canh và ít có giống thủy sản mới, chất lượng cao.

Do đó, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng cơ giới hóa vào nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị để hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật, triển khai thử nghiệm các mô hình mới, vận động người dân đưa giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng cao vào nuôi trồng để tăng hiệu quả kinh tế.

Có thể bạn quan tâm