Gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (buôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng) từ lâu đã gắn bó với nghề nuôi cá thương phẩm. Tuy nhiên, vì không tìm được đầu ra ổn định nên thu nhập khá bấp bênh. Nhiều thời điểm, gia đình anh phải bỏ hoang 2 hồ nước vì đầu tư sẽ đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Sau khoảng thời gian làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, vốn có đam mê câu cá, anh Hòa quyết định trở về quê hương gầy dựng mô hình câu cá trên diện tích mặt hồ của gia đình. “Tôi đi nhiều nơi, thấy mặt hồ của họ không đẹp bằng mình, nguồn nước cũng không dồi dào nhưng họ thả cá rồi cho câu dịch vụ mà thu lợi nhuận rất cao. Đặc biệt, ở các thành phố lớn, phong trào câu cá thể thao phát triển rất mạnh. Do đó, tôi chuyển hướng sang thả cá lớn để phục vụ các cần thủ”-anh Hòa bộc bạch.
Hồ nước của gia đình anh Nguyễn Văn Hòa (buôn Sô Ma Rơng, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện) thu hút nhiều cần thủ trong khu vực đến câu cá. Ảnh: Văn Ngọc |
Nghĩ là làm, anh Hòa tiến hành gia cố bờ hồ, lắp đặt các đài câu, đi thu mua cá có kích cỡ lớn của người dân trong vùng về thả. Không những vậy, anh đã bỏ ra số tiền lớn để mua cá trắm đen (hay còn gọi là cá trắm ốc) ở các tỉnh phía Bắc. Cuối năm 2022, anh khai trương “Hồ câu đài song ngư”. Hiện anh duy trì 2 hồ câu, 1 hồ là các dòng cá phổ thông như trắm cỏ, chép… và 1 hồ thả cá trắm đen. Hồ nuôi cá chép, trắm cỏ... mỗi con có trọng lượng 1-8 kg, cá trắm đen có trọng lượng khoảng 6-12 kg/con.
Tùy theo khung giờ và loại cá mà anh thu phí 20-50 ngàn đồng/giờ. Cá câu lên thuộc quyền sở hữu của cần thủ. Trung bình 1 ngày có khoảng 15 cần thủ đến câu tại hồ. Anh Hòa cho hay: “Lượng khách hiện tại cũng tương đối ổn định với các cần thủ ở thị xã Ayun Pa, các huyện: Ia Pa, Krông Pa, Chư Sê. Gần đây, nhiều người từ TP. Pleiku, huyện Mang Yang… đến câu. Phong trào câu cá thể thao đang nở rộ nên khả năng mô hình này sẽ còn phát triển hơn nữa”. Ngoài việc cho khách câu đơn thuần, anh Hòa còn tổ chức các giải đấu để cần thủ có cơ hội giao lưu, so tài. Giải đấu lần đầu tiên diễn ra hôm 12-2 vừa qua đã thu hút 22 cần thủ ở nhiều địa phương tham gia.
Cũng nhiều lần thất bại với việc nuôi cá thương phẩm, từ 3 tháng nay, anh Nguyễn Duy Mạnh (thôn Thanh Trang, xã Ia Peng) đã chuyển sang mô hình câu cá dịch vụ trên diện tích hồ nước hơn 5 sào. Hiện tại, hồ nhà anh Mạnh nuôi gần 1 tấn cá trắm cỏ, cá chép. Đồng thời, anh đang cho múc thêm hồ mới để chuyên thả cá trắm đen. Anh Mạnh cho hay: “Trước kia, gia đình tôi đã nhiều phen lao đao vì nuôi các loại cá rô đồng, cá lóc, bống tượng… Nhận thấy nhu cầu câu cá của người dân ngày càng tăng nên tôi quyết định chuyển hướng. Tôi đã đặt 200 con cá trắm đen từ ngoài Bắc chuyển vào. Tại Gia Lai, hồ câu cá trắm đen khá hiếm. Với những cần thủ, câu được trắm đen mới là đẳng cấp vì cá to, kéo rất đã tay”.
Nhờ sự phát triển của các hồ câu dịch vụ, các cần thủ đã có sân chơi để thỏa mãn đam mê. Anh Lê Thanh Tâm (thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Trước kia, chúng tôi thường ra sông, suối để câu. Cũng có một số hồ của người dân cho câu song chưa chuyên nghiệp, lượng cá ít và hầu hết là cá còn nhỏ. Hiện nay, có các hồ thả cá lớn như vậy, trong khi phí dịch vụ cũng phải chăng nên tôi và bạn bè thường lui tới vào những ngày cuối tuần để giải trí”.
Theo ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Phú Thiện có lợi thế về nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước khoảng 400 ha. Thời gian gần đây, một số hộ dân ở các xã Ia Peng, Ayun Hạ đã tận dụng ao hồ để mở dịch vụ câu cá. Mô hình này còn khá mới, cần thời gian để đánh giá tính hiệu quả nhưng đây cũng là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế.